Thay đổi chế độ ăn để tăng sức khoẻ dài hạn của cơ thể

Thay đổi chế độ ăn để tăng sức khoẻ dài hạn của cơ thể

12:20 - 05/02/2020

19050 lượt xem.

Bác sỹ giỏi nhất không ở bệnh viện mà ở ngay trong chính cơ thể của chúng ta, đó chính là hệ miễn dịch. Có nhiều vấn đề ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của chúng ta, trong đó ảnh hưởng đáng kể nhất là chế độ ăn uống. Vậy ăn gì, ăn như thế nào để nâng cao sức đề kháng của cơ thể? Có rất nhiều vấn đề để trao đổi và chúng tôi lựa chọn thịt là vấn đề đầu tiên vì thịt là thức ăn phổ biến trong bữa ăn hàng ngày của chúng ta.

Bác sĩ giỏi nhất không ở bệnh viện mà ở ngay trong chính cơ thể của chúng ta, đó chính là hệ miễn dịch. Có nhiều vấn đề ảnh hưởng đến hệ miễn dịch của chúng ta, trong đó ảnh hưởng đáng kể nhất là chế độ ăn uống. Vậy ăn gì, ăn như thế nào để nâng cao sức đề kháng của cơ thể? Có rất nhiều vấn đề để trao đổi và chúng tôi lựa chọn thịt là vấn đề đầu tiên vì thịt là thức ăn phổ biến trong bữa ăn hàng ngày của chúng ta. Bây giờ có thể là chưa muộn để thay đổi và củng cố sức khoẻ của chúng ta, và thế hệ con cháu của chúng ta (nếu dịch bệnh 2019-nCoV có thể kiểm soát được trong thời gian tới) bởi vì chúng ta sẽ còn phải đối diện với môi trường sống ô nhiễm, khắc nghiệt và vô cùng rủi ro trong thời gian tới, đặc biệt là hiện tượng kháng kháng sinh đã và sẽ diễn ra nghiêm trọng (khi đó không có thuốc hay bác sĩ nào có thể cứu chúng ta, kể cả những vết thương nhỏ hay ốm đau thông thường, ngoại trừ hệ miễn dịch).

Trước khi ăn thịt động vật, bạn phải biết 3 điều này. Còn sau đó thì tuỳ bạn quyết định!

  1. Đặc sản thú rừng

Bạn có thích ăn đặc sản thú rừng? Xin mách nhỏ bạn, hầu hết bệnh nhiễm khuẩn ở con người thời hiện đại không hề được biết trước đây cho đến khi việc thuần hoá động vật hoặc ăn các loại “đặc sản” dẫn tới bệnh từ động vật lây sang người trên diện rộng. Ví dụ:

  • Bệnh AIDS: Virus HIV được cho là xuất phát từ việc giết mổ các động vật linh trưởng (vượn lớn) ở châu phi để buôn bán thịt động vật hoang dã

  • Bệnh lao: xuất phát từ việc thuần hoá dê

  • Sốt thương hàn: xuất phát từ thuần hoá gà

  • Nhiễm cúm: xuất phát từ việc thuần hoá vịt

  • Sởi và đậu mùa: từ các virus đột biến trên gia súc

  • Virus cảm lạnh: xuất phát từ ngựa …

Hoặc mới đây

  • SARS 2003: được cho là bắt nguồn từ dơi, sau đó qua động vật trung gian là loài cầy hương (bán ở các chợ động vật hoang dã ở Trung Quốc)

  • Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS-CoV) 2012: con vật truyền bệnh có thể là dơi, rồi truyền sang Lạc đà một bướu

  • Bệnh do virus Ebola(EVD) 2014: virus Ebola thường được truyền từ khỉ hoặc loài dơi ăn trái

  • Bệnh do virus chủng corona 2019: được cho là truyền từ dơi.

Đây đều là các dịch bệnh nguy hiểm, cướp đi tính mạng của rất nhiều người. Vì vậy, có lẽ bạn nên cân nhắc về rủi ro sức khoẻ bản thân, cộng đồng với sở thích cá nhân hoặc trước những lời mời hấp dẫn. Hơn nữa đừng tận diệt các loài động vật hoang dã khác bởi đa dạng sinh học, đa dạng giống loài, đa dạng kiểu gene sẽ hạn chế khản năng lây truyền dịch bệnh sang người cũng như giúp tương lai con cháu chúng ta được bảo vệ hoặc có khả năng phục hồi trước các biến cố tự nhiên (đặc biệt trong thời gian tới khi biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự sống còn của nhân loại).

  1. Thịt của các loài nuôi công nghiệp phổ biến như gà, lợn, bò,…

Do nhu cầu ăn thịt của con người tăng cao cùng với tốc độ gia tăng dân số, đặc biệt khi các nước phương đông đang chuyển sang chế độ ăn giống phương tây nên các con vật nuôi lấy thịt như gà, lợn, bò,…chủ yếu được nuôi theo hệ thống công nghiệp mới có thể đáp ứng đủ. Hệ thống chăn nuôi công nghiệp không đi theo quy luật sinh học, phát triển tự nhiên của các loài vật nên gây ra những vấn đề nghiêm trọng mà chúng ta không thể lường trước được.

Ví dụ hệ thống chăn nuôi gia cầm công nghiệp (ví dụ nuôi gà) sẽ dồn nhiều nhất có thể gia cầm vào không gian nhỏ (nhằm tối đa lợi nhuận) thay vì chăn nuôi đúng với sinh lý gia cầm. Gà vốn là động vật nuôi thả, và chính việc nuôi ở không gian rộng (như vườn, đồi) giúp gà có khả năng miễn dịch với bệnh tật cao hơn vì được “dầm mưa dãi nắng”. Trong khi “dầm mưa dãi nắng”, lăn lộn trên đất, gà sẽ loại bỏ những côn trùng có hại như chấy, rận bám trên cơ thể. Còn khi nuôi trong không gian nhỏ hẹp, chấy rận sinh sôi nảy nở tràn lan, tỷ lệ bệnh tật, chết của gà tăng cao, hoặc tỷ lệ đẻ trứng giảm hoặc vì hệ miễn dịch suy giảm, chỉ cần 1 con bị cúm là cả đàn bị cúm, dẫn đến các chủ trang trại sẽ không còn cách nào khác là phun thuốc diệt trùng, cho thuốc kháng sinh vào thức ăn của gà. Những loại thuốc này sau đó tích luỹ trong thịt gà hoặc trứng gà mà người tiêu dùng ăn hàng ngày. Theo báo cáo của tờ New York Times, 80% thuốc kháng sinh sản xuất trong năm 2011 được sử dụng cho gia súc, gia cầm. Mặc dù thuốc kháng sinh là cần thiết cho sức khoẻ gia súc, gia cầm nhưng phần lớn lại được sử dụng để kích thích tốc độ trăng trưởng bởi nếu có thuốc kháng sinh đi kèm thì hiệu quả của thức ăn sẽ tăng lên. Việc lạm dụng thuốc kháng sinh cho gia súc, gia cầm đã làm tăng đáng kể khuẩn kháng thuốc nguy hiểm và là mối đe doạ lớn trong thời gian tới của nhân loại (thời kỳ hậu kháng sinh).

Hoặc để bắt gà đẻ trứng liên tục không kể ngày và đêm, các chủ trang trại bật đèn 24/24. Hoặc để tránh hiện tượng gà tấn công lẫn nhau vì căng thẳng cực độ trong không gian chật hẹp, các doanh nghiệp chăn nuôi đã cắt luôn mỏ của gà mái con. Họ cũng nhổ răng và cắt đuôi lợn ngay sau khi chúng được sinh ra để nhằm ngăn chặn lũ lợn cắn nhau do căng thẳng. Thịt của những con vật bị căng thẳng cực độ như thế sẽ chứa các hormon có hại, làm giảm chất lượng thịt.

Hoặc các chủ doanh nghiệp sẽ cho gà uống thuốc kích thích sinh trưởng (thuốc kháng sinh) làm gà có tốc độ tăng trưởng nhanh bất thường, thể trọng tăng gấp 2 lần nhưng thời gian gà lớn lên giảm 1 nửa so với cách đây 50 năm. Chính vì vậy, xương và đường ruột của gà không thể bắt kịp với tốc độ sinh trưởng nhanh chóng đó, đôi chân không chịu nổi cân nặng quá cỡ và không lê bước đi nổi.

Đối với hệ thống chăn nuôi bò để lấy thịt, để tăng cân nhanh chóng, con người cưỡng ép bò – một loài động vật ăn cỏ- phải ăn thức ăn công nghiệp, bao gồm phụ phẩm của quá trình giết mổ là thịt, bột xương của chính đồng loại, khiến bò bị viêm não thể bọt biển (bò mất kiểm soát, cuồng dại như lên cơn điên và chết). Đó là nguyên nhân gây ra bệnh bò điên kinh hoàng một thời. Nói chung hệ thống chăn nuôi công nghiệp không chỉ biến vật nuôi trở thành động vật ăn thịt mà còn khiến chúng trở thành những con thú ăn thịt đồng loại bởi hàng triệu tấn sản phẩm phụ của các cơ sở giết mổ tiếp tục trở thành thức ăn cho động vật trang trại. Điều này cũng dẫn đến việc tích luỹ sinh học liên tục, luỹ kế các chất độc hại, thuốc, kim loại nặng,… trong thức ăn của chúng ta.

Nếu một vài thông tin như vậy vẫn chưa làm bạn quan tâm đến phúc lợi động vật, thì hãy nghĩ đến sức khoẻ của mình và con cháu mình bởi chăn nuôi lấy thịt bằng phương pháp phi đạo đức và cho động vật uống các loại thuốc kháng sinh để tăng năng suất cuối cùng sẽ ảnh hưởng đến chính sức khoẻ chúng ta, làm chúng ta tích luỹ bệnh tật, suy giảm hệ miễn dịch tự nhiên, chưa kể tạo ra một môi trường sống đầy rủi ro do các dịch bệnh.

Lựa chọn thịt từ các nguồn hoặc trang trại được biết hoặc được chứng nhận là chăn nuôi lấy thịt đúng với bản tính của động vật trong tự nhiên và thân thiện môi trường để từ đó khuyến khích chăn nuôi an toàn, bền vững cũng như nâng cao sức khoẻ, củng cố hệ miễn dịch của chúng ta. Đồng thời giảm ăn thịt (giảm nhé, chúng tôi không nói ngừng hẳn việc ăn thịt. Tất nhiên nếu bạn lựa chọn chế độ ăn toàn phần thực vật mà vẫn đảm bảo đầy đủ chất dinh dưỡng thì cũng rất tốt) để giảm gánh nặng cho ngành chăn nuôi và không tạo áp lực cho việc phải phát triển các hệ thống chăn nuôi công nghiệp quá tải.

3. Ăn nhiều thịt động vật, bạn sẽ như thế nào?

Chắc bạn không xa lạ với những thông tin dưới đây, đặc biệt là những người bị bệnh (đã từng nhận lời khuyên từ các bác sỹ). Ăn nhiều thịt động vật dẫn đến con người dễ mắc các bệnh mãn tính như:

Bệnh tim mạch: ăn nhiều thịt và mỡ động vật khiến chất béo tích tụ ở thành động mạch tạo các mảng xơ vữa động mạch. Quá trình này diễn ra trong hàng chục năm trời và các mảng xơ vữa dần dần chiếm chỗ trong các động mạch, thu hẹp đường đi của máu. Lưu thông máu tới cơ tim hạn chế có thể dẫn tới các cơn đau. Nếu mảng xơ vữa bị vỡ thì cục máu đông hình thành dẫn đến tắc nghẽn, đau tim, hoại tử một phần cơ tim. Bệnh tim mạch hiện nay là loại bệnh gây tử vong cao nhất, nếu bạn có dịp ghé thăm Viện tim mạch thuộc bệnh viên Bạch Mai - Hà Nội, bạn sẽ thấy cảnh thượng người bệnh ngồi, nằm la liệt từ ngoài vào trong, kể cả dưới gốc cây phía ngoài khu tim mạch.

Một góc hành lang Viện tim mạch - Bệnh viện Bạch Mai

Bệnh tiểu đường: Tiểu đường loại 2 (kháng insulin) được gọi là cái chết đen của thế kỷ 21. Nguyên nhân được cho là chế độ ăn giàu chất béo và giàu năng lượng. Để đường đơn glucose (được hệ tiêu hoá phân huỷ từ thức ăn) đi từ máu vào trong tế bào (giúp cung cấp năng lượng cho tế bào), glucose cần insulin. Đối với tiểu đường loại 2, tuyến tuỵ vẫn sản xuất được insulin nhưng insulin không hoạt động hiệu quả do chất béo tích tụ bên trong các tế bào ở cơ và gan cản trở hoạt động của insulin. Nếu insulin là chìa khoá mở cánh cửa để glucose đi vào tế bào thì chất béo bão hoà làm tê liệt ổ khoá. Tế bào không thể tiếp nhận glucose và kết quả là glucose tích luỹ trong máu. Lượng đường dư thừa trong máu theo thời gian sẽ phá huỷ mạch máu trên khắp cơ thể, dẫn đến mù loà, suy thận, tim mạch, tổn thương dây thần kinh dẫn đến tình trạng tê bì, đau đớn,…

Việc ăn quá nhiều đạm và chất béo động vật cũng dẫn đến nhiều bệnh khác như gan nhiễm mỡ, gout, suy thận, ung thư, bệnh nhiễm trùng,… Các bệnh mãn tính này đều làm cơ thể chúng ta yếu đi theo thời gian và hệ miễn dịch suy giảm đáng kể. Những thông tin trong đợt dịch covid-19 cũng cho thấy những người có bệnh lý nền như tim mạch, tiểu đường,... có hệ miễn dịch suy yếu và khả năng cao không qua khỏi khi nhiễm virus. Hãy nghĩ đến tương lai không xa, khi kháng sinh không còn tác dụng, khi biến đổi khí hậu làm môi trường sống của con cháu chúng ta khắc nghiệt, rủi ro hơn để làm động lực thay đổi thói quen tiêu dùng ngay từ hôm nay. Sức khoẻ và hệ miễn dịch là kết quả của một quá trình dài nỗ lực củng cố và giữ gìn. 

Vì sức khoẻ bản thân, sự an toàn của cộng đồng, vì một tương lai bền vững, đừng trì hoãn hoãn một lối sống lành mạnh hàng ngày với 3 thay đổi không tốn kém dưới đây:

  • Ăn nhiều rau xanh (kể cả nhiều loại gia vị) và hoa quả hơn (Tìm hiểu cách lựa chọn rau, củ, quả vừa giàu chất dinh dưỡng, ít hoá chất, vừa tiết kiệm tại đây)

  • Giảm ăn thịt động vật so với rau, quả (đơn giản bằng việc chuẩn bị một bữa ăn nhiều rau và ăn rau trước cho đến khi no bụng rồi mới ăn thịt), đặc biệt là thịt động vật hoang dã và động vật không được chăn nuôi trong môi trường phù hợp, thuận tự nhiên.

  • Tăng cường thể dục thể thao để nâng cao sức đề kháng của cơ thể

Nâng cao hiểu biết, bắt tay hành động ngay để không chậm trễ (hoặc bị loại bỏ) trước sự thay đổi liên tục, khôn lường của thiên nhiên. (Tham gia nhóm "oagree.com - sức khoẻ và môi trường sống" tại đây để tìm hiểu các kiến thức và kinh nghiệm giúp nâng cao sức khoẻ bản thân và gia đình mình trong điều kiện môi trường sống ngày càng rủi ro và khắc nghiệt nhé)

Tìm hiểu thêm về thực trạng thực phẩm chúng ta đang ăn và lý do tại sao chúng lại kém chất lượng, gây bệnh tật cho người ăn (video dài, có thể lưu lại để xem dần bởi vì khi xem xong chúng ta sẽ "giác ngộ" ra rất nhiều điều) 

Ngoài ra, để nâng cao sức khoẻ và hệ miễn dịch của cơ thể, Oagree muốn nhấn mạnh rằng: "Bảo vệ môi trường là vấn đề cốt yếu". Tại sao vậy? Vì môi trường ô nhiễm (mà cụ thể là thực phẩm đầy hoá chất nguy hiểm, không khí hít thở ô nhiễm, căn nhà đầy các nội thất, sản phẩm tiêu dùng phát ra các chất hữu cơ dễ bay hơi độc hại,...) sẽ gây bệnh tật, làm suy yếu chức năng các cơ quan trong cơ thể, làm suy giảm hệ miễn dịch. Do vậy, muốn nâng cao sức khoẻ phải đi đôi bảo vệ môi trường (thậm chí phải đi sau). Nếu có ai hỏi Oagree.com: "Dịch covid-19 liên quan như thế nào với môi trường sống?" Chúng tôi thấy rõ mối liên hệ đó là: "Môi trường sống ô nhiễm dẫn tới bệnh tật và suy giảm hệ miễn dịch ở nhiều người, kết quả hệ miễn dịch của chúng ta không thể chống lại với virus. Nếu môi trường sống tiếp tục ô nhiễm thì tới đây sẽ xuất hiện nhiều loài virus (vô hại với con người nếu hệ miễn dịch khoẻ mạnh) trở nên nguy hiểm lạ thường".

Bổ sung: Có một số bạn hỏi "sao sư tử toàn ăn thịt đấy mà có bị bệnh tim mạch hay tiểu đường gì đâu?" Một câu hỏi thật hay! Nhưng sự thực là con người tiến hoá từ loài động vật không phải chuyên ăn thịt nên so với sư tử hay chó sói, dạ dày của chúng ta chỉ tiết một lượng dịch vị tương đối nhỏ, chỉ bằng 1/20 axit clohydric cần thiết để tiêu hoá một bữa ăn quá nhiều thịt. Không chỉ về lượng axit tiết ra ít hơn mà về nồng độ axit clohydric của con người cũng chưa bằng 1/5 của một số loài chuyên ăn thịt, ví dụ đơn giản là mèo. Do đó mèo dễ dàng ăn và tiêu hoá xương nhưng người thì không. Đồng thời ruột của động vật ăn thịt cũng ngắn hơn ruột của người (và các động vật ăn thực vật) nhiều lần (ruột động vật ăn thịt dài hơn cơ thể 3 lần, còn ruột người và động vật ăn cỏ dài hơn cơ thể khoảng 6 lần), giúp chất cặn bã ở trong ruột của loài thú ăn thịt được bài tiết ra ngoài nhanh chóng hơn, khỏi bị nhiễm bệnh do sự thối rã của thức ăn. Vì vậy lối sống, ăn uống quá nhiều thịt sẽ không phù hợp với cấu tạo sinh học của con người, chưa kể thực phẩm bị ô nhiễm hoá chất, dẫn tới nhiều bệnh tật, khác với một số loài vật trong tự nhiên nhé.

Download bản pdf nội dung bài viết tại đây

Tham gia nhóm "oagree.com - sức khoẻ và môi trường sống" tại https://www.facebook.com/groups/oagree để cùng chia sẻ các kiến thức và kinh nghiệm giúp nâng cao sức khoẻ bản thân và gia đình mình trong điều kiện môi trường sống ngày càng rủi ro và khắc nghiệt nhé

Cập nhật thông tin hữu ích khác từ Oagree.com tại website: https://oagree.com hoặc https://www.facebook.com/oagree.fanpage

Nguồn tham khảo:

  1. Thư viện Y khoa quốc gia Hoa Kỳ: Origins of HIV and the AIDS Pandemic (https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3234451/)

  2. Thư viện Y khoa quốc gia Hoa Kỳ: The origins of HIV and implications for the global epidemic https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/17618555

  3. Thư viện Y khoa quốc gia Hoa Kỳ: Beasts of the Earth: Animals, Humans, and Disease. E. Fuller Torrey, Robert H. Yolken. Rutgers University Press, New Brunswick, NJ, USA, 2005

  4. Human Frontiers, Environments and Disease - Past Patterns, Uncertain Futures. Tony McMichael, National Centre for Epidemiology and Population Health, Australian National University.

  5. https://vi.wikipedia.org: SARS (Hội chứng hô hấp cấp tính nặng); MERS-CoV; Bệnh do virus Ebola; Bệnh bò điên;

  6. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ https://www.cdc.gov/heartdisease/coronary_ad.htm

  7. Thư viện Y khoa quốc gia Hoa Kỳ: Free fatty acids, insulin resistance, and type 2 diabetes mellitus (https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/10354364)

  8. Harvard Health Publishing (https://www.health.harvard.edu/a_to_z/type-2-diabetes-mellitus-a-to-z)

  9. Tổ chức Y tế thế giới (https://www.who.int/publications-detail/classification-of-diabetes-mellitus)

Đăng ký nhận bản tin

Đăng ký nhận thông tin từ Oagree.com để bảo vệ sức khỏe và môi trường sống.

Đăng ký