Các địa điểm nguy hiểm (phần 3) - Nhà mới

Các địa điểm nguy hiểm (phần 3) - Nhà mới

14:00 - 01/01/2020

23409 lượt xem.

Hạn nhà mới là có thật không? Tại sao sau khi xây nhà mới hoặc sửa nhà, trong nhà thường có người ốm đau nặng, thậm chí làm mắc bệnh hiểm nghèo không qua khỏi? Cùng tìm hiểu các nguyên nhân và giải pháp dưới đây để bảo vệ sức khoẻ, thậm chí là tính mạng của bản thân và những người thân yêu trong gia đình mình.

Hạn nhà mới là có thật không? Tại sao sau khi xây nhà mới hoặc sửa nhà, trong nhà thường có người ốm đau nặng, thậm chí là mắc bệnh hiểm nghèo không qua khỏi? Về mặt tâm linh, đến nay, chưa thể khẳng định vấn đề này có đúng hay không. Tuy nhiên, về mặt khoa học, có những bằng chứng rõ ràng cho thấy “hạn nhà mới” là có thật và có thể giảm thiểu được. Cùng tìm hiểu các nguyên nhân và giải pháp dưới đây để bảo vệ sức khoẻ, thậm chí là tính mạng của bản thân và những người thân yêu trong gia đình mình.

Những thứ độc hại điển hình trong căn nhà mới

Nếu bạn không xây nhà mà mua một căn hộ mới, chỉ cần mua sắm đồ đạc và chuyển vào ở, bạn cũng đừng chủ quan với sức khoẻ của gia đình mình. Một căn hộ mới chứa đầy những hoá chất độc hại.

Sơn

Sơn tường, sơn cửa giúp làm đẹp, làm sáng và hạn chế nấm mốc trong ngôi nhà, tuy nhiên trong sơn thường chứa nhiều hoá chất độc hại như các chất phụ gia, chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs), chì,… Khi bạn bước vào một ngôi nhà mới, mùi sơn thường rất nồng nặc, đó chính là mùi đặc trưng của các chất hữu cơ dễ bay hơi. Các chất hữu cơ dễ bay hơi được sử dụng làm dung môi trong sơn để giúp hoà tan sơn, giúp sơn đều màu, cũng như thúc đẩy quá trình bay hơi, giúp sơn nhanh khô,… tuy nhiên hầu hết chúng đều độc hại, ví dụ VOC phổ biến trong sơn là benzen, được chứng minh là gây ung thư máu ở người (xem chi tiết về ảnh hưởng của benzen tại đây).

Chì cũng thường được thêm vào sơn để nhuộm màu, làm khô nhanh và bền màu. Tuy nhiên, chì là một kim loại rất độc, có thể gây tổn hại hệ thần kinh, đặc biệt là trẻ nhỏ. Ngộ độc chì có thể xảy ra khi hít phải các loại bụi nhiễm chì hoặc sơn gốc chì. Chì sau khi được hít vào sẽ nhanh chóng được hấp thụ vào máu, sau đó sẽ ảnh hưởng đến hệ thần kinh trung ương, tim mạch, thận, và hệ miễn dịch (xem chi tiết về ảnh hưởng của chì tại đây).

Đồ nội thất mới

Nội thất thường giải phòng formaldehyd

Hầu hết đồ nội thất, đặc biệt là nội thất bằng gỗ như sàn nhà, bàn ghế, tủ bếp, tủ quần áo,… đều sử dụng các hoá chất độc hại để xử lý gỗ hoặc để làm keo kết dính các lát gỗ với nhau, như Asen, Creosote, Pentachlorophenol,.... Các hoá chất này phát tán mạnh vào không khí trong nhà mà đặc trưng là formaldehyd. Tiếp xúc với formaldehyd nồng độ cao dẫn tới ung thư vòm họng ở người và nó được Tổ chức nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC) phân loại là chất gây ung thư cho người nhóm 1.  Formaldehyd còn thoát ra từ nhiều đồ nội thất mới bằng nhựa, thảm, các sản phẩm tẩy rửa. Các đồ nội thất phát tán Formaldehyd mạnh nhất khi còn mới và phải mất vài năm để chúng giải phóng hết Formaldehyd.

Và còn rất nhiều vật dụng trong ngôi nhà mới phát tán mạnh các chất độc hại khi mới đưa vào sử dụng, đặc biệt trong môi trường nóng, ẩm như keo giấy dán tường, các đường ống bằng nhựa PVC (Polyvinyl Clorua), các cánh cửa chống cháy, các loại keo sử dụng để bịt các khớp nối, thậm chỉ cả vật liệu xây dựng trong tường, dưới nền nhà,…

“Hạn nhà mới” sẽ nặng nề hơn nếu chúng ta sửa chữa nhà, đặc biệt là phá bỏ nhà cũ, xây dựng nhà mới.

Mới đây, tôi chứng kiến 3 gia đình ở cạnh nhau phải xây nhà mới vì có con đường mới làm chạy cắt qua nhà cũ. Chỉ sau hơn một năm xây xong nhà, 2 trong 3 gia đình có chồng bị ung thư không qua khỏi. Trong tháng này, tôi cũng chứng kiến gia đình một người thân sửa lại toàn bộ căn nhà, chỉ sáu tháng sau khi hoàn thành việc sửa chữa, người chồng bị ung thư phổi giai đoạn cuối mặc dù có lối sống rất lành mạnh (không hút thuốc, tập thể dục đều đặn,…).

Sửa chữa, xây nhà mới thường phát tán các chất độc hại trong vật liệu xây dựng

Ngoài những chất độc hại trong một ngôi nhà mới đã nói ở trên, quá trình phá dỡ hoặc sửa chữa, xây dựng nhà mới còn phát tán thêm các chất vô cùng độc hại khác, ví dụ amiang. Amiang đã bị cấm ở nhiều nước trên thế giới, tuy nhiên đến nay, Việt Nam vẫn luôn nằm trong top 10 nước nhập khẩu amiang lớn nhất thế giới. Ngoài sản phẩm điển hình mà chúng ta thường thấy là các mái lợp hình lượn sóng trên các căn nhà, amiang còn được pha trộn trong nhiều vật liệu xây dựng khác như thạch cao, xi măng, cốt bê tông, gạch lát sàn, sơn phủ bên ngoài,… do nó có khả năng chống cháy cao, cách nhiệt, cách điện, cách âm và đặc biệt rẻ. Các sản phẩm chứa amiang trong trạng thái tĩnh có thể không gây độc hại, tuy nhiên trong quá trình phá dỡ, khoan, cắt khi xây, sửa nhà sẽ làm vỡ vụn vật liệu xây dựng và các sợi amiang sẽ dễ dàng bay ra và đi vào phổi qua đường hô hấp. Amiang được xác định là gây ra ung thư phổi, ung thư trung biểu mô (ung thư niêm mạc ngực và khoang bụng). Ngoài amiang, vật liệu xây dựng còn chứa nhiều chất độc hại khác như silica, cadmium, radon, … đều dễ dẫn tới ung thư vòm họng, ung thư phổi,…

Việc xây nhà, sửa nhà đã khiến chúng ta mệt mỏi, kiệt sức dẫn tới sức đề kháng suy giảm. Vì vậy khi cộng thêm ảnh hưởng của các chất độc hại thì trong nhiều trường hợp, việc xảy ra ốm nặng, thậm chí mắc bệnh hiểm nghèo không phải là điều khó hiểu. Do đó, bạn cần hiểu thấu đáo để biết cách bảo vệ sức khoẻ của mình, kể cả trường hợp không có vấn đề gì xảy ra cũng đừng chủ quan bởi vì nhiều hoá chất độc hại phải mất nhiều năm sau mới làm chúng ta phát bệnh.

Vậy phải làm gì để tránh được hạn nhà mới ?

Một số lưu ý dưới đây có thể hữu ích cho gia đình bạn để hưởng trọn niềm vui nhà mới:

  • Nếu phải phá dỡ hoặc sửa chữa, mặc dù hơi bất tiện và tốn kém nhưng bạn nên thuê một chỗ khác để ở thay vì ở trong ngôi nhà đang sửa chữa nhằm tránh hít phải bụi vật liệu xây dựng độc hại.

  • Nhà mới sửa, sơn xong, không nên vào ở ngay. Bạn nên có thời gian để các khí độc hại từ sơn, vật liệu xây dựng bay bớt. Để đẩy nhanh quá trình làm sạch không khí trong nhà, bạn nên mở cửa thông thoáng và bật quạt thường xuyên. Ngoài ra, nếu bạn được chủ động trong việc sơn nhà, bạn nên tìm hiểu và lựa chọn các loại sơn an toàn, chứa ít các chất hữu cơ dễ bay hơi.

Ở một số nước, trước khi vào ở trong căn nhà mới, người ta sử dụng kỹ thuật “bake out”, mục đích là nung nóng căn phòng ở khoảng 40 độ C trong nhiều giờ (đã được đóng kín) để tăng tốc độ thải khí của vật liệu xây dựng mới, đặc biệt là sơn, sau đó đẩy khí này ra khỏi căn nhà bằng thông gió (lặp lại 3- 4 lần cho đến khi đạt yêu cầu). Lưu ý không ở trong nhà khi đang thực hiện bake out.

  • Nếu có thể, nên chọn nội thất bằng gỗ tự nhiên hoặc bằng kim loại thay vì gỗ ép, gỗ công nghiệp để hạn chế các hoá chất xử lý gỗ, đặc biệt là các tủ đựng thức ăn. Nếu nhà bạn có gara, sân vườn, một số nội thất nên để ngoài căn nhà chính một thời gian để bay bớt các hoá chất độc hại trước khi di chuyển vào nhà. Thường xuyên mở cửa thông thoáng trong nhà (trừ khi ngoài trời quá ô nhiễm).

  • Một số đồ nội thất mới như rèm cửa, thảm,… nên được giặt sạch bằng máy giặt hoặc giặt dịch vụ trước khi sử dụng.

*** Trong trường hợp này, có lẽ cách sống tối giản (trong phòng ít đồ đạc) hoặc cách sống tiết kiệm tiêu dùng (tiếp tục sử dụng các đồ dùng cũ còn tốt) rất hữu ích để bảo vệ sức khoẻ bản thân và gia đình, thay vì mua sắm thật nhiều đồ nội thất mới.

Sắp đến tết rồi, bạn bè, người thân của bạn có ai định sửa nhà hoặc mua nhà mới không? Chia sẻ với họ những kiến thức này để bảo vệ sức khoẻ và hưởng trọn vẹn niềm vui ngày tết.

Download bản pdf nội dung bài viết tại đây

Xem thêm "Các địa điểm nguy hiểm (phần 2) - Nhà tắm" tại đây

Tham gia nhóm "oagree.com - sức khoẻ và môi trường sống" tại đây (https://www.facebook.com/groups/oagree) để cùng chia sẻ các kiến thức và kinh nghiệm giúp nâng cao sức khoẻ bản thân và gia đình mình trong điều kiện môi trường sống ngày càng rủi ro và khắc nghiệt nhé.

Cập nhật thông tin hữu ích khác từ Oagree.com tại website: https://oagree.com hoặc https://www.facebook.com/oagree.fanpage

Nguồn tham khảo:

  1. Cơ quan Đăng ký Chất độc và Bệnh tật (Agency for Toxic Substances and Disease Registry) thuộc Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ - Cơ quan này tập trung vào việc giảm thiểu rủi ro sức khỏe của con người liên quan đến việc tiếp xúc với các chất độc hại https://www.atsdr.cdc.gov/formaldehyde/home/index.html

  2. Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh/The Centers for Disease Controland Prevention (CDC) thuộc Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ https://www.cdc.gov/nceh/publications/books/housing/cha05.htm#anchor_1545242404256

  3. Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Hoa Kỳ/U.S. Department of Health and Human Services https://www.cdc.gov/nceh/publications/books/housing/housing.htm 

  4. Sáng kiến an toàn và sức khoẻ toàn cầu/the Global Health and Safety Initiative https://s3.amazonaws.com/healthy-materials-lab/resources/toxic-chemicals-in-building-materials.pdf

Đăng ký nhận bản tin

Đăng ký nhận thông tin từ Oagree.com để bảo vệ sức khỏe và môi trường sống.

Đăng ký