Cuộc khủng hoảng rác thải nhựa toàn cầu
11:03 - 19/07/2019
Chúng ta lựa chọn hành tinh này hay nhựa?
Nếu nhựa đã được phát minh khi những người hành hương đầu tiên đi thuyền từ Anh đến Bắc Mỹ để khai phá lục địa mới (vào những năm 1620) và đồ uống của họ được dự trữ trong chai nhựa và đồ ăn nhẹ được bọc bằng nhựa thì những bao bì, thùng rác nhựa của họ có thể vẫn còn tồn tại đến hơn bốn thế kỷ sau, tức là ngày hôm nay.
Nếu những người hành hương đầu tiên ấy giống như nhiều người ngày nay, ném chai rỗng và bao bì của họ ra khỏi thuyền, sóng Đại Tây Dương và ánh sáng mặt trời sẽ làm thoái hoá, mòn dần tất cả vật dụng bằng nhựa thành những mảnh nhỏ. Và những mảnh nhỏ đó vẫn có thể trôi nổi trên khắp các đại dương của thế giới ngày nay, chúng phát tán dần các chất độc hại và thẩm thấu các chất từ môi trường, chờ đợi để được ăn bởi một số loài cá hay con hàu, và cuối cùng có lẽ đã được ăn bởi một trong số chúng ta.
Tuy nhiên, chúng ta nên cảm ơn rằng những người hành hương ngày ấy không có nhựa!
Bởi vì nhựa không được phát minh cho đến cuối thế kỷ 19 và việc sản xuất chỉ thực sự cất cánh vào khoảng năm 1950.
Khi nhựa ra đời, nó có thể được xem là điều kỳ diệu của thế giới công nghệ. Một trong những ứng dụng đầu tiên của nhựa là đã cứu được động vật hoang dã. Vào giữa những năm 1800, các phím đàn piano, bóng bi-a, lược và tất cả các loại đồ trang sức được làm từ một vật liệu tự nhiên khan hiếm là ngà voi. Và với việc phát minh ra celluloid, được làm từ cellulose (polymer được tìm thấy trong tất cả các loại thực vật- nhựa từ thực vật), số lượng voi có nguy cơ bị giết hại để lấy ngà làm bi-a đã giảm. Và người ta còn nói rằng celluloid đã giúp thay đổi trò chơi bi-a từ một trò tiêu khiển quý tộc sang một trò chơi trong các quán bar. Sau đó, nó giúp quân Đồng minh giành chiến thắng trong Chiến tranh thế giới thứ II với những chiếc dù nhẹ bằng nylon hoặc các bộ phận máy bay hạng nhẹ. Nhựa đã thay đổi tất cả cuộc sống của chúng ta. Nhựa giúp làm nhẹ mọi thứ như xe ô tô, máy bay phản lực khổng lồ, từ đó tiết kiệm nhiên liệu và giảm thải khí ô nhiễm. Ở dạng bao bì, chúng kéo dài tuổi thọ của thực phẩm tươi sống. Cuộc cách mạng về nhựa tăng tốc vào đầu thế kỷ 20, khi nhựa bắt đầu được tạo ra từ nguồn năng lượng dồi dào, rẻ tiền là dầu mỏ. Các công ty dầu mỏ có khí thải như ethylene đi ra từ các nhà máy lọc dầu của họ. Các nhà hóa học phát hiện ra rằng, họ có thể sử dụng các khí thải đó như các monome để tạo ra tất cả các loại polyme mới, ví dụ, polyetylen terephthalate (PET) thay vì chỉ sản xuất nhựa với các polyme có nguồn gốc từ thiên nhiên. Và một thế giới mới đã mở ra. Bất cứ thứ gì đều có thể được làm bằng nhựa vì nhựa rẻ tiền.
Đến năm 2017, theo một số liệu khiến mọi người phải choáng váng, chúng ta có 9,2 tỷ tấn nhựa để xử lý, trong đó có hơn 6,9 tỷ tấn đã trở thành rác thải. Nhưng đáng báo động hơn là trong 6,9 tỷ tấn đó có 6,3 tỷ tấn chưa bao giờ được đưa vào quy trình tái chế. Một nguồn số liệu khác cho thấy chưa đến 1/5 số nhựa đã sản xuất ra được tái chế trên toàn cầu. Ở Mỹ, con số đó thậm chí còn ít hơn 10 %.
Khoảng 40% trong số hơn 450 triệu tấn nhựa được sản xuất hàng năm là dùng một lần, phần lớn được sử dụng làm bao bì dự định sẽ bị loại bỏ trong vòng vài phút sau khi mua. Năm 2017, Công ty Coca-Cola, có lẽ là nhà sản xuất chai nhựa lớn nhất thế giới, lần đầu tiên thừa nhận công ty đã sản xuất 128 tỷ chai nhựa mỗi năm. Nestlé, PepsiCo và những nhà sản xuất khác cũng tạo ra những dòng chai tương tự.
Mức độ dễ dàng tái chế theo từng loại nhựa
Trong những năm gần đây, sự gia tăng sản xuất nhựa chủ yếu bởi việc mở rộng sử dụng bao bì nhựa dùng một lần tại các nền kinh tế đang phát triển của Châu Á, nơi hệ thống thu gom rác có thể kém phát triển hoặc không tồn tại. Năm 2010, theo một ước tính cho thấy một nửa chất thải nhựa được xử lý sai trên thế giới (như vứt bỏ xuống sông, rồi đổ ra biển) là chỉ từ năm quốc gia châu Á: Trung Quốc, Indonesia, Philippines, Việt Nam và Sri Lanka.
Không ai biết có bao nhiêu rác thải nhựa không được tái chế và cuối cùng đổ vào lòng đại dương – được xem như bồn rửa cuối cùng của Trái đất. Và cũng không rõ sẽ mất bao lâu để nhựa đó phân hủy hoàn toàn thành các phân tử cấu thành của nó bởi tính từ khi nhựa được phát minh đến giờ còn quá ngắn, chưa đủ thời gian để chúng ta theo dõi vòng đời phân huỷ thực tế của nhựa trong tự nhiên. Tuy nhiên ước tính phải mất từ 450 năm hoặc có thể là không bao giờ, tuỳ vào loại nhựa.
Trong khi đó, nhựa trong đại dương được ước tính sẽ giết chết hàng triệu động vật biển mỗi năm. Có gần 700 loài, bao gồm cả những loài có nguy cơ tuyệt chủng, được biết là đã bị ảnh hưởng bởi rác thải nhựa. Một số loài bị tổn hại trực tiếp như là bị siết cổ bởi lưới đánh cá bị bỏ rơi nhưng đa số còn lại bị tổn hại gián tiếp hoặc vô hình. Các loài sinh vật biển đủ kích cỡ, từ động vật phù du đến cá voi, hiện đang ăn các hạt vi nhựa có kích thước nhỏ hơn một phần năm inch. Có một điều đáng lưu ý là việc các miếng nhựa vỡ ra thành các hạt siêu nhỏ không chỉ dưới tác động của sóng và ánh sáng mặt trời mà còn do các loài sinh vật biển. Trong một số thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, các nhà khoa học đã thấy các loài lưỡng cư, các loài giáp xác như tôm ở vùng nước ven biển châu Âu, đã nuốt những mảnh túi nhựa. Sau đó, chúng có thể xé một chiếc túi thành 1,75 triệu mảnh siêu nhỏ. Các sinh vật nhỏ này nhai nhựa đặc biệt nhanh khi nhựa được phủ chất nhờn vi sinh thẩm thấu từ môi trường, chính là thức ăn bình thường của các sinh vật nhỏ này. Các sinh vật này sau đó tiếp tục phun ra hoặc cuối cùng bài tiết ra các hạt nhựa siêu nhỏ.
Tuy nhiên điều đáng lo lắng hơn việc các hạt vi nhựa sẽ đi vào cơ thể con người theo chuỗi thức ăn là các hoá chất phụ gia được thêm vào nhựa để mang lại cho chúng những đặc tính mong muốn, như tính dẻo có thể truyền vào mô tế bào của cá và của con người bởi nồng độ hóa chất tại thời điểm sản xuất trong một số loại nhựa là rất cao. Và chúng ta không biết bao nhiêu hoá chất phụ gia còn lại trong nhựa vào thời điểm nó trở thành mồi ăn của một con cá.
Trên Đảo Lớn của Hawaii, tại một bãi biển hoang sơ nhưng người ta có thể đi bộ mà ngập đến mắt cá chân là các hạt vi nhựa giòn như bánh gạo dưới chân và trên nhiều đảo, ước tính có đến 15 % cát thực sự là các hạt vi hạt. Vi nhựa đã được tìm thấy ở khắp mọi nơi trên đại dương, từ trầm tích dưới đáy biển sâu nhất đến băng trôi ở Bắc Cực.
Chính vì vậy nhiều người đã nhận thấy vấn đề rác thải nhựa trong đại dương cũng nổi lên và diễn ra trầm trọng như vấn đề biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, có một sự khác biệt chính đó là rác thải nhựa trong đại dương không phức tạp như biến đổi khí hậu. Để xử lý vấn đề biến đổi khí hậu, chúng ta có thể phải xây dựng lại toàn bộ hệ thống năng lượng của hành tinh chúng ta nhưng rác thải nhựa không phải là vấn đề mà chúng ta không biết giải pháp là gì.
Chúng ta biết cách nhặt rác. Bất cứ ai cũng có thể làm điều đó!
Chúng ta biết làm thế nào để loại bỏ nó!
Chúng ta biết cách tái chế!
Tại sao chúng ta chưa hành động ngay? Trước khi đại dương không thể cứu vãn!
Hiện nay, một số quốc gia đã đưa ra các hành động mạnh mẽ như nhiều quốc gia đã cấm túi nhựa, áp đặt tiền phạt, kể cả phải ngồi tù đối với những người vi phạm. Pháp cho biết họ sẽ cấm các tấm nhựa và cốc nhựa dùng một lần vào năm 2020. Việc cấm các loại nhựa siêu nhỏ trong mỹ phẩm (với vai trò là chất tẩy da chết) đã có hiệu lực trong năm 2018 tại Mỹ, Canada, Anh và bốn quốc gia khác.
Các tập đoàn sản xuất cũng đang phản hồi trước áp lực từ dư luận: Coca-Cola (cũng là công ty sản xuất nước uống Dasani) đã công bố mục tiêu thu thập và tái chế tương đương 100% bao bì của công ty vào năm 2030. Coca-Cola và các công ty đa quốc gia khác, bao gồm PepsiCo và Unilever, đã cam kết chuyển đổi thành 100% bao bì có thể tái sử dụng, có thể tái chế hoặc có thể phân hủy vào năm 2025.
Nhiều cá nhân cũng đang tham gia vào các chiến dịch như chiến dịch chống lại ống hút nhựa, chiến dịch dọn sạch rác ở các bãi biển, chế tạo các thiết bị làm sạch rác trên mặt nước,….
Theo Oagree.com, trong lúc đợi chờ các nhà khoa học tạo ra được vật liệu mới ưu việt hơn để thay thế các loại nhựa hiện tại (hoặc tạo ra nhựa có khả năng phân huỷ sinh học hoặc tái chế dễ dàng hơn), đợi chờ các chính sách, quy định từ nhà nước (như tăng thuế sản xuất, sử dụng nhựa để tài trợ cho hoạt động thu gom, tái chế rác thải nhựa;…) thì mỗi chúng ta có thể thực hiện ngay một số hành động như:
- Tránh sử dụng sản phẩm bằng nhựa nếu không thực sự cần thiết (như mang túi tái sử dụng khi đi chợ, dùng ống hút thân thiện môi trường, sử dụng cốc thuỷ tinh/sứ thay vì dùng cốc nhựa 1 lần;…);
- Sử dụng tiết kiệm nhất có thể đối với sản phẩm nhựa (như đối với màng bọc thực phẩm, túi nilong sạch hiện có, có thể để đựng rác thay vì vứt đi;…)
Và còn nhiều cách khác nữa mà bạn có thể đề xuất để Oagree.com lan toả đến cộng đồng. Tuy nhiên Oagree.com tin rằng nếu chúng ta giảm sử dụng, giảm thải bỏ rác thải nhựa sẽ tốt hơn nhiều (tiết kiệm chi phí, tiết kiệm nguồn lực tự nhiên và xã hội, bảo vệ sức khoẻ và môi trường) so với việc tiêu dùng, thải bỏ vô tội vạ rồi sau đó phải đổ tiền của, nguồn lực đầu tư cho việc thu gom, tái chế hoặc xử lý rác thải nhựa. Hãy tham gia cùng Oagree.com bảo vệ môi trường sống tương lai từ những hành động nhỏ nhất trong cuộc sống hàng ngày.
Nguồn tham khảo:
Tạp chí National Geographic tháng 6/2018. Thông tin chi tiết xem tại đường dẫn https://www.nationalgeographic.com/magazine/2018/06/plastic-planet-waste-pollution-trash-crisis
Download bản pdf đầy đủ nội dung bài viết tại đây.
Tham gia nhóm "oagree.com - sức khoẻ và môi trường sống" tại đây (https://www.facebook.com/groups/oagree) để cùng chia sẻ các kiến thức và kinh nghiệm giúp nâng cao sức khoẻ bản thân và gia đình mình trong điều kiện môi trường sống ngày càng rủi ro và khắc nghiệt nhé.
Theo dõi các thông tin hữu ích khác để bảo vệ môi trường sống của con cháu chúng ta tại https://www.facebook.com/oagree.fanpage