Khi các con đi học trở lại, làm gì để hạn chế tác hại của việc phun khử khuẩn covid19 tại các trường học
23:15 - 01/09/2020
3051 lượt xem.
Một số lưu ý cho các bậc phụ huynh, giáo viên, nhà trường để đảm bảo sức khoẻ lâu dài cho các con khi trở lại trường trong điều kiện dịch covid còn diễn biến phức tạp
(Nếu có ít thời gian, bạn có thể nghe (podcast) nội dung bài viết tại đường dẫn dưới đây, tranh thủ lúc chạy bộ, nấu ăn, lái xe hay trước khi đi ngủ,... Lưu ý, có thể download về trong thư mục thư viện của Youtube trên điện thoại để nghe offline nhé)
Do Sars-CoV-2 có thể tồn tại trên các bề mặt cứng nhiều ngày (như thép, nhựa, thuỷ tinh là đến 9 ngày) nên để hạn chế lây nhiễm virus, việc lau rửa bề mặt các vật dụng như bàn, ghế, bàn phím máy tính, tay cầm cửa,… tại các trường học là việc cần thiết khi các con vào năm học mới. Tuy nhiên, với diện tích rộng, thời gian học liên tục,… nên các trường thường lựa chọn hình thức phun khử khuẩn bằng các loại hoá chất (sử dụng phổ biến là Chloramin B với thành phần hóa học chính là sodium benzensulfochloramin, công thức C6H5SO2NClNa.3H2O). Các hoá chất và khí bay ra từ quá trình phun, rửa này (đặc biệt nếu nhân viên vệ sinh trường học không lau lại cẩn thận các bề mặt bằng nước sạch sau khi phun, rửa hoá chất) có thể vẫn tồn tại trong không gian lớp học, bám vào các vật dụng, gây ảnh hưởng đến sức khoẻ của các con (như kích thích đường hô hấp, chảy nước mắt, kích ứng da, tác động lên hệ thần kinh,…) (nếu văn phòng, cơ quan của bố/mẹ nào đã phun diệt khuẩn trong đợt dịch vừa qua thì sẽ rõ vấn đề này. Mặc dù phun cuối tuần nhưng ngày thứ 2 đi làm, sờ trên bàn phím, mặt bàn, thậm chí cốc uống nước (nếu quên cất vào tủ) vẫn thấy mùi vô cùng khó chịu của các hoá chất còn bám lại). Đặc biệt hiện nay, đa phần lớp học đều đóng kín cửa, bật điều hoà liên tục, càng khiến không khí trong phòng học lưu thông kém, ô nhiễm. Sắp tới là mùa thu-đông, khi thời tiết thay đổi, hanh khô hơn, trẻ nhỏ dễ bị các bệnh về đường hô hấp, cộng thêm ảnh hưởng từ các hoá chất tẩy rửa, có thể làm trầm trọng hơn các vấn đề về sức khoẻ. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần quan tâm một số lưu ý dưới đây và khuyến nghị với giáo viên, nhà trường để đảm bảo sức khoẻ lâu dài cho các con khi trở lại trường:
- Mở cửa lớp học thông thoáng sau khi phun rửa hoá chất vào cuối ngày học hoặc cuối tuần để đẩy các hoá chất bay hơi ra ngoài. Tốt nhất, thời gian mở cửa thông thoáng phải đủ dài, để ngày hôm sau khi các con quay lại lớp học, không còn mùi hoá chất (đồng thời, không khí tươi, mới được đẩy vào phòng học). Ngoài ra, theo một số thí nghiệm, Sars-CoV-2 có thể tồn tại trong không khí (khi nói/thở nhẹ, không thành giọt bắn rớt xuống bề mặt) đến 3 giờ nên mở cửa thông thoáng còn mang lại một lợi ích quan trọng khác, đó là gió và nắng sẽ giúp phân tán, giảm mật độ của virus cũng như phá vỡ lớp vỏ virus, hạn chế khả năng lây lan, nhiễm bệnh.
- Không cần thiết sử dụng chất tẩy mạnh, chỉ cần xà phòng/chất tẩy rửa thông thường/lành tính là đủ hiệu quả. Để lau rửa các bề mặt, xà phòng/chất tẩy rửa thông thường vẫn đủ hiệu quả để diệt virus vì trong xà phòng luôn có chất hoạt động bề mặt với các phân tử phân cực (một đầu ưa nước và một đuôi kị nước) sẽ giúp các phân tử này thay thế/hoà tan/lấy đi lớp màng lipid bao bọc bên ngoài virus. Do đó, virus không còn bám dính vào được bề mặt vật dụng, nổi lên cùng các lớp bọt xà phòng, sau đó được lau đi hoặc rửa trôi với nước (xem chi tiết tại đây). Việc sử dụng các chất tẩy rửa mạnh thường làm bay hơi các khí có hại như clo hoặc chloramines,… Nghiên cứu khoa học cho thấy, việc tiếp xúc, hít phải hoá chất trong chất tẩy rửa làm tăng các bệnh về đường hô hấp như hen suyễn, dị ứng, suy giảm chức năng của phổi. Các ảnh hưởng này sẽ nghiêm trọng hơn đối với trẻ nhỏ do phổi và các cơ quan khác ở trẻ em đang trong giai đoạn phát triển nhanh, dẫn tới nhạy cảm hơn với các hoá chất. Để đảm bảo sức khoẻ cho các con, trường học chỉ nên phun xịt cuối tuần (nếu cần, và đặc biệt không nên phun xịt gần trước giờ trẻ đến lớp), còn các ngày trong tuần chỉ nên lau rửa bề mặt bằng xà phòng thông thường, mặc dù có thể tốn nhiều thời gian, công sức hơn (lưu ý thêm rằng, nhiều chất khử trùng phun xịt chỉ hoạt động tốt trên các bề mặt đã được làm sạch bằng xà phòng và nước để loại bỏ "vật chất hữu cơ" như tế bào da, bụi bẩn,… Vì vậy phun xịt có thể tiết kiệm thời gian, nhưng nếu không kết hợp với việc làm sạch thì có thể không hiệu quả cao trong việc tiêu diệt coronavirus mà còn độc hại).
- Trường học không nên phát các loại giấy ướt diệt khuẩn/khử trùng cho trẻ nhỏ để tự lau bàn, ghế, bàn phím, vật dụng sau tiết học hoặc nếu phát thì cần có sự giám sát chặt chẽ của giáo viên. Hiện nay, một số loại giấy ướt diệt khuẩn (bày bán phổ biến để diệt Sars-CoV-2) được tẩm cồn hoặc hoá chất ở nồng độ cao có thể không an toàn đối với trẻ nhỏ.
Hệ hô hấp là các cơ quan đầu tiên tiếp xúc cũng như chịu ảnh hưởng nặng nề trước ảnh hưởng của Sars-CoV-2. Vì vậy bảo vệ hệ hô hấp nói chung, phổi nói riêng bằng những hành động nhỏ như mở cửa thông thoáng, tránh lạm dụng quá mức các chất tẩy rửa mạnh là việc rất quan trọng để chúng ta và con trẻ đối mặt với dịch covid-19 hiện nay, và có thể còn tái diễn lâu dài trong thời gian giao mùa sắp tới.
Chia sẻ với con, giáo viên và ban phụ huynh để cùng nhau bảo vệ sức khoẻ cho con trẻ khi mùa tựu trường đã đến.
Tham gia nhóm "oagree.com - sức khoẻ và môi trường sống" tại đây (https://www.facebook.com/groups/oagree) để cùng chia sẻ các kiến thức và kinh nghiệm giúp nâng cao sức khoẻ bản thân và gia đình mình trong điều kiện môi trường sống ngày càng rủi ro và khắc nghiệt nhé.
Tải Ấn bản lần thứ nhất do Oagree phát hành về các kiến thức, kinh nghiệm quan trọng, giúp nâng cao sức khoẻ, hệ miễn dịch và bảo vệ môi trường sống tại đây.
Cập nhật thông tin hữu ích khác từ Oagree.com tại website: https://oagree.com hoặc https://www.facebook.com/oagree.fanpage
Nguồn tham khảo:
Cộng đồng sức khoẻ trường học (Healthy Schools Network & New Jersey Work Environment Council: National call to action _The Pandemic v. Schools (https://drive.google.com/file/d/1PuJT8Mzqnwbw_36N7cUa7JwEdDA579YW/view)
Tạp chí Hiệp hội Y khoa Canada (Canadian Medical Association Journal): Sử dụng các sản phẩm tẩy rửa với sức khỏe hô hấp (https://www.cmaj.ca/content/192/7/E154)
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) (https://www.fda.gov/drugs/information-drug-class/qa-consumers-hand-sanitizers-and-covid-19)
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (https://www.fda.gov/drugs/information-drug-class/qa-consumers-health-care-antiseptics)
Tạp chí Nhiễm trùng bệnh viện (Journal of Hospital Infection): Thời gian tồn tại trên bề mặt của SARS-CoV-2 https://www.journalofhospitalinfection.com/action/showPdf?pii=S0195-6701%2820%2930046-3
Tạp chí Y khoa Anh (The New England Journal of Medicine): Thời gian tồn tại trong không khí của SARS-CoV-2 https://www.nejm.org/doi/pdf/10.1056/NEJMc2004973?articleTools=true
Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (The Centers for Disease Control and Prevention/CDC): Guideline for Disinfection and Sterilization in Healthcare Facilities (https://www.cdc.gov/infectioncontrol/guidelines/disinfection)
Tạp chí Sức khoẻ và đời sống – Cơ quan ngôn luận của Bộ Y tế (https://suckhoedoisong.vn/canh-giac-ngo-doc-thuoc-sat-khuan-chloramin-b-n171161.html)