Nhựa free BPA có an toàn không
15:58 - 05/08/2019
3782 lượt xem.
Tại sao hiện tượng dậy thì sớm ở trẻ, rối loạn nội tiết, rối loạn giới tính ngày càng phổ biến. Kết quả một nghiên cứu đăng trên Thư viên Y khoa quốc gia (Hoa Kỳ) đã chỉ nguyên nhân quan trọng và đưa ra biện pháp bảo vệ sức khoẻ con cái chúng ta
Tại sao hiện tượng dậy thì sớm ở trẻ, rối loạn nội tiết, rối loạn giới tính ngày càng phổ biến? Một nghiên cứu khoa học được Thư viện y khoa quốc gia Hoa Kỳ (US National Library of Medicine) thuộc Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Hoa Kỳ (U.S. Department of Health & Human Services) công bố năm 2011 (địa điểm nghiên cứu Hoa Kỳ) đã làm chúng ta phải giật mình về các sản phẩm tiêu dùng bằng nhựa hằng ngày và giúp chúng ta hiểu được phần nào nguyên nhân của các vấn đề sức khoẻ liên quan đến hocmon, sinh sản và rối loạn giới tính của xã hội hiện nay.
Trước các báo cáo cho thấy hóa chất có hoạt tính estrogen (estrogenic activity/EA) gây ra nhiều ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, kể cả ở liều rất thấp, đối với động vật có vú (bao gồm con người) và thai nhi, Nghiên cứu đã thu thập và thực hiện các thí nghiệm để xác định liệu các loại nhựa và sản phẩm làm từ nhựa có bán trên thị trường, bao gồm cả bình sữa trẻ em và các sản phẩm khác được quảng cáo là không có bisphenol A (BPA), có giải phóng hóa chất có hoạt tính estrogen (EA) không.
Phương pháp nghiên cứu là sử dụng xét nghiệm tăng sinh tế bào MCF-7 được robot thực hiện, rất nhạy cảm, chính xác để định lượng EA (được đưa vào dung dịch chiết xuất từ muối hoặc ethanol) của nhiều loại vật liệu nhựa có bán trên thị trường, trong một số trường hợp kết hợp với biện pháp gia tăng như sử dụng các loại nhựa này trong lò vi sóng hoặc trong nồi hấp hoặc để dưới ánh mặt trời có bức xạ cực tím.
Trích dẫn một số thông tin trong nghiên cứu
Về hóa chất có hoạt tính estrogen (estrogenic activity/EA)
Estrogen của con người là một loại hormone được tìm thấy ở nồng độ rất thấp trong cơ thể người (cả nam và nữ). Estrogen là cần thiết, ở nồng độ rất thấp, để kích thích hoặc ngăn chặn một số chức năng như chức năng sinh sản. Một hóa chất có hoạt tính estrogen (EA) bắt chước estrogen của con người, bằng cách liên kết với tế bào vị trí thụ thể estrogen bình thường. Hóa chất có hoạt tính estrogen là một dạng phổ biến nhất của các hóa chất gây rối loạn nội tiết (EDC).
Ở động vật có vú, hóa chất có EA có thể tạo ra nhiều vấn đề liên quan đến sức khỏe, như dậy thì sớm ở nữ, giảm số lượng tinh trùng, thay đổi chức năng của cơ quan sinh sản, béo phì, thay đổi giới tính và tăng tỷ lệ của một số bệnh ung thư vú, buồng trứng, tinh hoàn và tuyến tiền liệt
Trẻ sơ sinh và trẻ vị thành niên đặc biệt nhạy cảm với các hóa chất có EA, kể cả nồng độ rất thấp (tức là ở nồng độ là picomole đến nanomole, tức là 10-12 g đến 10-9g).
Về sản phẩm làm từ nhựa
Các loại nhựa được sử dụng phổ biến hiện nay để sản xuất ra các sản phẩm tiêu dùng, dụng cụ đựng và bảo quản thực phẩm được tạo ra bằng cách trùng hợp monome cụ thể với sự có mặt của chất xúc tác tạo thành một dạng cao phân tử được gọi là polymer nhiệt dẻo. Polyme thu được, sau đó được trộn với một lượng nhỏ các chất phụ gia khác nhau (chất chống oxy hóa, chất làm dẻo, chất làm sạch, v.v.) và được nấu chảy, trộn, đùn và ép thành một loại nhựa nhiệt dẻo cơ bản như PC, PP, PE, .... Từ các thành phần là nhựa cơ bản này, kết hợp với một số quá trình hoàn thiện để tạo ra các sản phẩm tiêu dùng hoàn chỉnh.
Trong quá trình trùng hợp, các chất phụ gia không phải là một thành phần hóa học của cấu trúc polyme (tức là không phản ứng hoặc hoà tan vào các monome) nên các hóa chất có EA có thể thoát ra từ các sản phẩm nhựa ở nồng độ rất thấp dưới dạng riêng lẻ hoặc kết hợp với nhau, tạo ra các tác dụng phụ, đặc biệt là ở thai nhi đến lứa tuổi vị thành niên.
Việc thoát các monome và chất phụ gia từ sản phẩm nhựa thường tăng lên nếu sản phẩm nhựa tiếp xúc với tia cực tím (UV) trong ánh sáng mặt trời, bức xạ vi sóng, môi trưởng ẩm ở nhiệt độ cao khi đun sôi/hấp/trong máy rửa bát.
Thành phần hóa học chính xác, đầy đủ của hầu hết các thành phần nhựa, sản phẩm nhựa có sẵn trên thị trường là mang tính độc quyền và không được công bố. Một bộ phận trên sản phẩm nhựa có thể bao gồm từ 5 đến 30 hoá chất và một sản phẩm nhựa lại bao gồm nhiều bộ phận (ví dụ: bình sữa trẻ em) có thể chứa hơn 100 hóa chất, hầu hết tất cả các hoá chất đều có thể bị rò rỉ từ sản phẩm, đặc biệt là khi có các biện pháp gia tăng (tiếp xúc với tia uv khi để ngoài nắng, nhiệt ẩm cao khi để trong nồi hấp/máy rửa bát,...). Trừ khi việc lựa chọn hóa chất được kiểm soát rất cẩn thận, một số hóa chất trong các thành phần hoá chất đó chắc chắn sẽ có EA. Ngay cả khi tất cả các vật liệu đầu vào đã được kiểm tra là không có EA, thì thông qua các biện pháp gia tăng trong quá trình sản xuất nhựa, có thể dẫn tới việc thay đổi cấu trúc hóa học hoặc tạo ra các phản ứng hóa học để chuyển đổi hóa chất không có EA thành một chất có EA..
Nghiên cứu này báo cáo rằng hầu hết hơn 500 sản phẩm nhựa có bán trên thị trường mà nghiên cứu đã lấy mẫu, ngay cả những sản phẩm có ghi rõ “không có BPA (Free BPA)”, đều phát hiện có EA, đặc biệt là nếu chúng được thử nghiệm với các biện pháp gia tăng phổ biến nói trên.
Trường hợp không tiếp xúc biện pháp gia tăng phổ biến thì 455 sản phẩm nhựa có bán trên thị trường có kết quả phát hiện EA trong bảng dưới đây (455 sản phẩm này nếu chia theo loại nhựa sẽ gồm HDPE (ký hiệu số 2), PP (ký hiệu số 5), PET (ký hiệu số 1), PS (ký hiệu số 6), axit polylactic, PC (ký hiệu số 7); nếu chia theo loại sản phẩm gồm bao bì đa dụng, màng bọc thực phẩm, bao bì cứng , các phụ kiện thành phần của bình sữa em bé, túi bóng/túi nhựa)
Table 1. % sản phẩn nhựa không tiếp xúc biện pháp gia tăng có EA trong ít nhất một chiết xuất | ||||||||||||||||
Dung môi chiết xuất | ||||||||||||||||
ethanol (EtOH) | Ethanol cô đặc | Nước muối | Một trong các dung môi | |||||||||||||
Sản phẩm nhựa | Số mẫu chọn (n) | % phát hiện (%D) | n | %D | n | %D | n | %D | ||||||||
Loại nhựa | ||||||||||||||||
HDPE (số 2) | 13 | 69% | 11 | 55% | 18 | 56% | 30 | 70% | ||||||||
PP (số 5) | 23 | 52% | 6 | 33% | 16 | 81% | 37 | 68% | ||||||||
PET (số 1) | 30 | 40% | 17 | 94% | 34 | 76% | 57 | 75% | ||||||||
PS (số 6) | 13 | 62% | — | — | 16 | 38% | 28 | 50% | ||||||||
PLA (số 7) | 10 | 70% | 1 | 100% | 8 | 100% | 11 | 91% | ||||||||
PC (số 7) | 1 | 0 | 1 | 100% | 2 | 100% | 2 | 100% | ||||||||
Loại SP | ||||||||||||||||
Bao bì đa năng (mềm dẻo) | 82 | 66% | 6 | 33% | 35 | 74% | 121 | 67% | ||||||||
Màng bọc thực phẩm | 9 | 100% | — | — | 9 | 78% | 9 | 100% | ||||||||
Bao bì dạng cứng như hộp | 57 | 56% | 18 | 67% | 31 | 45% | 83 | 64% | ||||||||
Bộ phận của bình sữa | 13 | 69% | — | — | 16 | 94% | 19 | 89% | ||||||||
Plastic bags (túi đựng) | 33 | 97% | 1 | 100% | 23 | 96% | 43 | 98% | ||||||||
Total for extract | 308 | 68% | 51 | 73% | 214 | 69% | 455 | 72% |
(lưu ý: n là số mẫu thí nghiệm, nếu tổng số mẫu của một loại sản phẩm nào đó lớn hơn tổng số mẫu sản phẩm được mua tức là mẫu đó được thí nghiệm một lúc theo nhiều cách thức/trong nhiều dung môi khác nhau)
Số liệu trên được hiểu như sau: thí nghiệm với 13 mẫu sản phẩm nhựa HDPE theo cách thức trong dung môi ethanol (EtOH tiêu chuẩn) thì có 9 mẫu sản phẩm (tương ứng 69%) phát hiện có EA hoặc đối với các sản phẩm nhựa PET được thí nghiệm theo cách thức trong dung môi nước muối, có 26 trong số 34 (76%) mẫu sản phẩm phát hiện có EA (với nồng độ % RME2 là 64% ± 41%).
Như vậy, trong trường hợp các sản phẩm nhựa không tiếp xúc với biện pháp gia tăng, 72% các sản phẩm nhựa có giải phòng hoá chất có EA (theo một hoặc nhiều cách thức thí nghiệm).
Riêng đối với các bình sử dụng cho trẻ nhỏ, thí nghiệm cho 20 mẫu bình sữa khác nhau với hơn 100 bộ phận cấu thành, bao gồm nhiều loại được quảng cáo là không chứa BPA, nghiên cứu chỉ ra rằng chiết xuất của ít nhất một thành phần của mỗi bình sữa luôn có EA .
Trường hợp có tiếp xúc biện pháp gia tăng, các sản phẩm nhựa tăng giải phòng hoá chất có EA
Hiện tượng giải phóng hóa chất có EA đã tăng lên do tiếp xúc với các biện pháp gia tăng phổ biến. Ví dụ, một mẫu không tiếp xúc với các biện pháp gia tăng của nhựa HDPE không giải phóng EA (nghĩa là RME2 <15%) đã giải phóng hóa chất có EA tương đương 47% RME2 sau khi tiếp xúc với tia UV (trong nắng mặt trời). Tương tự, hai mẫu nhựa PE mật độ thấp (LDPE nhựa 1 và 2) và nhựa PET (chai nhựa) không phát hiện hoá chất có EA trước đó đã thấy giải phòng hoá chất có EA sau khi tiếp xúc tia UV. Hơn 10 sản phẩm làm từ nhựa PET được quảng cáo là không có BPA, nhưng tất cả bị phát hiện có giải phóng EA khi tiếp xúc với biện pháp gia tăng, như tia UV. Tương tự, 25% mẫu nhựa PET và 50% sản phẩm nhựa PS không tiếp xúc biện pháp gia tăng được khảo sát không có hoá chất có EA trước đó đều phát hiện giải phóng hoá chất có EA sau khi tiếp xúc biện pháp gia tăng (Tham khảo số liệu cụ thể trong nghiên cứu gốc tại đường dẫn cuối bài viết).
Về bản chất, các monome (phân tử nhựa) không giải phóng hoá chất có EA, kể cả khi tiếp xúc biện pháp gia tăng. Việc giải phóng hoá chất có EA là do các phụ gia được sử dụng trong quá trình sản xuất nhựa. Các chất phụ gia liên kết với cấu trúc polyme về mặt vật lý nhưng không liên kết về mặt hoá học (không xảy ra phản ứng hoá học) và do đó có thể thoát ra khỏi các polymer, đặc biệt khi có biện pháp gia tăng (tăng nhiệt độ, tia uv,...). Chất chống oxy hóa là nhóm phụ gia quan trọng nhất trong sản xuất nhựa vì chúng ngăn ngừa hoặc giảm thiểu sự thoái hóa nhựa do quá trình oxy hóa phá vỡ chuỗi polymer. Các chất chống oxy hóa lâu đời nhất và phổ biến nhất trong nhựa thuộc về một nhóm hóa chất được gọi là HP (hindered phenols), như BHT và BHA, chủ yếu vì cả hai đều rẻ tiền và được coi là không độc hại. Tuy nhiên, BHT (4 mẫu thí nghiệm) và BHA (3 mẫu thí nghiệm) đã phát hiện một cách đáng tin cậy có EA. Các chất chống oxy hóa HP khác thường được sử dụng cũng cho thấy kết quả đáng tin cậy là có EA, đặc biệt là khi tiếp xúc với nhiệt ẩm, có thể dẫn tới hiện tượng thủy phân. Nhiều chất phụ gia khác (thí nghiệm với hơn 50 mẫu) có nhóm phenolic phát hiện thấy EA.
Các sản phẩm nhựa hiện được bán trên thị trường ghi không có Bisphenol A (BPA) không có nghĩa là không có hoá chất có EA.
Để đáp ứng với sức ép của thị trường và quy định loại bỏ BPA trong nhựa đa dụng hiện nay, các vật liệu nhựa không chứa BPA gần đây đã được giới thiệu như là sự thay thế cho nhựa PC (thuộc nhóm có ký hiệu số 7). PET và PETG là hai loại nhựa như vậy, nhưng các sản phẩm tiêu dùng được làm từ các loại nhựa này đã giải phóng các hóa chất có EA, kể cả không tiếp xúc biện pháp gia tăng. Hai nhãn hiệu chai nước nổi tiếng được làm từ nhựa PETG hiện được bán trên thị trường dưới dạng không chứa BPA cũng đã giải phóng các hóa chất có EA đáng kể trong nghiên cứu. Nhiều sản phẩm nhựa làm từ nhựa PE (ký hiệu số 2 và số 4)/PP (ký hiệu số 5) có thể không chứa Bisphenol A (BPA) nhưng vẫn cho thấy chắc chắn có EA là do một hoặc nhiều chất phụ gia có EA. Nhiều thành phần của bình sữa không chứa BPA nhưng vẫn phát hiện EA, bao gồm bình sữa, núm vú, thiết bị chống nhiễm khuẩn và miếng lót.
Trên thực tế, tất cả các loại nhựa hoặc sản phẩm không có BPA được thử nghiệm đều giải phóng hóa chất có EA, đôi khi tổng EA giải phóng còn nhiều hơn sản phẩm PC (có BPA) nếu tiếp xúc biện pháp gia tăng. Ví dụ, % RME2 được giải phóng bởi các bộ phận chai nước của em bé không chứa BPA khi tiếp xúc với một hoặc nhiều biện pháp gia tăng phổ biến (lò vi sóng, nồi hấp hoặc tia cực tím) có thể lớn hơn các sản phẩm PC trong cùng điều kiện. Đặc biệt, nếu tiếp xúc tia UV thường dẫn đến việc giải phóng các hóa chất có EA lớn hơn nhựa đa dụng không có BPA hiện được bán trên thị trường. Ví dụ, bình sữa không chứa BPA sau khi tiếp xúc với tia cực tím cho thấy EA lớn hơn bất kỳ chất chiết xuất nào từ chai PC (ký hiệu số 7).
Từ dữ liệu nghiên cứu cho thấy hầu hết các monome và chất phụ gia được sử dụng để sản xuất nhiều mặt hàng nhựa có bán trên thị trường đều có EA. Ngay cả khi polyme thuần khiết (không có chất phụ gia) như PE hoặc polyvinyl clorua không có EA nhưng sản phẩm nhựa thương mại và các sản phẩm từ các polyme này thường giải phóng các hóa chất (gần như chắc chắn là phụ gia) có EA. Ngoài ra, việc tiếp xúc với một hoặc nhiều biện pháp gia tăng phổ biến thường làm tăng quá trình giải phóng hóa chất có EA như tiếp xúc với nước sôi, ánh sáng mặt trời (UV) và/hoặc lò vi sóng.
Khuyến nghị để tránh ảnh hưởng sức khỏe tiềm ẩn
Việc ảnh hưởng của hoá chất có EA đối với con người phụ thuộc nhiều yếu tố như giới tính, giai đoạn phát triển,... Tuy nhiên a) trong các nghiên cứu cho thấy rằng phơi nhiễm với hóa chất có EA (thường ở liều rất thấp) làm thay đổi cấu trúc và chức năng của nhiều loại tế bào người; b) các nghiên cứu dịch tễ học gần đây khuyến nghị mạnh mẽ rằng các hóa chất có EA tạo ra những thay đổi (có thể đo lường được) về sức khỏe ở các nhóm người khác nhau đã thử nghiệm (ví dụ, con cái của các bà mẹ được cho ăn diethylstilbestrol, hoặc số lượng tinh trùng ở nam giới tại Đan Mạch,...). Nhiều nhà khoa học tin rằng không nên đánh cược sức khỏe của chúng ta và thế hệ tương lai với giả định rằng tác động tế bào của hóa chất có EA giải phóng từ hầu hết các loại nhựa sẽ không có ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe bởi vì có thể thay thế bằng một số chất tạo màu và chất chống oxy hóa đã được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) phê duyệt cho phép tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm, không có EA, không có độc tính tế bào ngay cả khi tiếp xúc với biện pháp gia tăng. Do các chất phụ gia chiếm một phần nhỏ của nhựa và việc xử lý trong quá trình sản xuất nhựa có phụ gia có EA hay không có EA cũng gần giống nhau nên việc thay thế các chất phụ gia có EA bằng các chất phụ gia không chứa EA sẽ có rất ít tác động đến giá thành của sản phẩm cuối cùng. Hơn nữa, các chất phụ gia không có EA chỉ có giá thành cao hơn một chút hoặc tương tự với các chất phụ gia có EA, do đó tác động chi phí của việc thay thế là rất nhỏ hoặc không đáng kể.
Như vậy, bên cạnh việc khuyến khích, yêu cầu các nhà sản xuất lựa chọn các phụ gia, nguyên liệu nhựa không có EA, bạn có thể tự bảo vệ sức khoẻ gia đình mình, con cháu mình bằng cách:
Hạn chế sử dụng đồ nhựa, thực phẩm đựng trong đồ nhựa.
Hạn chế để đồ nhựa tiếp xúc với nhiệt độ cao, tia UV, cho vào lo vi sóng,…
Theo dõi các bài viết khác cùng chủ đề về nhựa của Oagree.com để hiểu rõ hơn ảnh hưởng và các giải pháp bảo vệ sức khoẻ gia đình và bảo vệ môi trường sống cho các thế hệ mai sau.
Nguồn tham khảo:
Để có thông tin đầy đủ, chi tiết hơn về nghiên cứu, bạn có thể truy cập thông tin của Thư viện y khoa quốc gia Hoa Kỳ theo đường dẫn https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3222987/
Tạp chí triển vọng về sức khoẻ môi trường thuộc Viện khoa học sức khỏe môi trường quốc gia Hoa Kỳ (National Institute of Environmental Health Sciences (NIEHS)). Thông tin chi tiết hơn về các số liệu nghiên cứu xem tại đường dẫn https://ehp.niehs.nih.gov/doi/10.1289/ehp.1307670
Download bản pdf đầy đủ nội dung bài viết tại đây
Chia sẻ tài liệu này với bạn bè, người thân là các bậc bố mẹ để biết ảnh hưởng khi trưởng thành đối với con trẻ khi sử dụng sản phẩm bằng nhựa. Tìm hiểu và cân nhắc cẩn thận trước khi tiêu dùng, sử dụng vì hạnh phúc và sức khoẻ khi lớn lên của con cái chúng ta.
Tham gia nhóm "oagree.com - sức khoẻ và môi trường sống" tại đây (https://www.facebook.com/groups/oagree) để cùng chia sẻ các kiến thức và kinh nghiệm giúp nâng cao sức khoẻ bản thân và gia đình mình trong điều kiện môi trường sống ngày càng rủi ro và khắc nghiệt nhé.
Theo dõi các thông tin hữu ích khác để bảo vệ sức khoẻ và môi trường sống tại https://www.facebook.com/oagree.fanpage
hoặc https://www.youtube.com/channel/UCINrudoLjgFm2zatmhBdViw?view_as=subscriber
Nếu bạn muốn đóng góp cho bài viết, vui lòng để lại bình luận phía dưới, chúng tôi trân trọng cảm ơn.