Những sản phẩm thế hệ mới thay đổi cuộc sống chị em
14:36 - 28/08/2020
2389 lượt xem.
Trong kỳ “đèn đỏ”, bạn có lo lắng những rủi ro có thể xảy ra? Bạn có thấy bức bối, khó chịu, đặc biệt vào mùa hè nắng nóng, ra nhiều mồ hôi? Bạn có “lăn tăn” với số tiền phải bỏ ra hàng tháng để mua băng vệ sinh dạng miếng? Là một phụ nữ Việt Nam “hiện đại” và “dũng cảm”, bạn có dám trải nghiệm một giải pháp mới, an toàn, đảm bảo vệ sinh, có lợi cho sức khỏe, tổng chi phí thấp mà đặc biệt là thân thiện với môi trường?
Kinh nguyệt là một thứ trời cho quý báu mà chỉ phụ nữ mới có để đảm nhận thiên chức làm mẹ. Nhưng trong kỳ “đèn đỏ” ấy, bạn có lo lắng những rủi ro có thể xảy ra? Bạn có thấy bức bối, khó chịu, đặc biệt vào mùa hè nắng nóng, ra nhiều mồ hôi? Bạn có “lăn tăn” với số tiền phải bỏ ra hàng tháng để mua băng vệ sinh dạng miếng? Là một phụ nữ Việt Nam “hiện đại” và “dũng cảm”, bạn có dám trải nghiệm một giải pháp mới, an toàn, đảm bảo vệ sinh, có lợi cho sức khỏe, tổng chi phí thấp mà đặc biệt là thân thiện với môi trường?
Hãy bắt đầu làm “công tác tư tưởng” về một sản phẩm vệ sinh phụ nữ cực kì tiến bộ là cốc nguyệt san (menstrual cup), hiện đang phổ biến với nữ giới phương Tây và dần “thâm nhập” thị trường Việt Nam để không còn phải trải qua những sự bất tiện không đáng có nhé.
Cốc nguyệt san và cốc đựng đi kèm
1. Bạn đã biết gì về cốc nguyệt san _một sản phẩm mang tính “cách mạng” cho phụ nữ?
Dựa trên số liệu thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm phụ nữ chúng ta tiêu tốn hơn 400 triệu bảng Anh (tương đương khoảng 12 nghìn tỷ đồng) cho băng vệ sinh (dạng miếng) và tampon (băng vệ sinh dạng ống), đồng thời tạo ra một lượng rác thải khổng lồ cho các bãi chứa. Ngoài lãng phí tiền bạc của mỗi cá nhân, việc xả ra một lượng lớn rác thải sinh hoạt phụ nữ thường xuyên, liên tục còn làm tình trạng ô nhiễm môi trường sống nặng nề hơn (thậm chí làm tăng nguy cơ lây lan một số bệnh truyền nhiễm).
Khi xu thế toàn cầu hiện nay đang đề cao “lối sống xanh” 3R (reduce, reuse, recycle), có nghĩa là giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế, những sản phẩm vệ sinh phụ nữ hiện đại và an toàn hơn đã ra đời thay thế băng vệ sinh dùng một lần. Nổi bật nhất trong số đó là cốc nguyệt san với tuổi thọ cao, chất liệu an toàn và thoải mái để dùng xuyên suốt kì kinh nguyệt. Nhiều người đã sử dụng cốc nguyệt san đều cho rằng đây thực sự là cuộc cách mạng và quả quyết sẽ không bao giờ nghĩ đến việc sử dụng băng vệ sinh dạng miếng nữa. Dưới đây là một số thông tin cơ bản về cốc nguyệt san (Menstrual cup):
Khái niệm
Cốc nguyệt san là một sản phẩm hiện đại thay thế băng vệ sinh thông thường của phụ nữ, được cho vào âm đạo để hứng kinh nguyệt trong những ngày “đèn đỏ”. Đây được xem như “băng vệ sinh thế hệ mới” với những ưu điểm vượt trội.
Thành phần
Làm từ silicone, cao su, latex, chất đồng phân dẻo nóng (thermoplastic isomer) hoặc chất đàn hồi (elastomer) đáp ứng theo các tiêu chí cần thiết về y tế.
Đặc điểm chính
Thường được làm ở dạng chuông nhỏ với một cái cuống, nó được đẩy vào và cố định ở tường âm đạo ngay bên dưới cổ tử cung.
Cơ chế hoạt động: Hứng lấy, chặn và dồn dòng chảy kinh nguyệt vào phần thân cốc để chứa nó, thay vì thấm hút như tampon và băng vệ sinh.
Có thể rửa sạch, khử trùng và tái sử dụng lên đến 10 năm (vẫn có phiên bản dùng một lần).
Thời gian dùng lý tưởng từ 4 đến dưới 12h, chứa được một lượng chất lỏng trong khoảng 10 - 41 ml (tùy vào kích cỡ) trước khi cần làm sạch và dùng tiếp.
Lợi ích khi sử dụng
Chi phí thấp và tiết kiệm về lâu dài. Mua đúng một lần và tái sử dụng trong nhiều năm, chỉ tốn duy nhất một chi phí ban đầu và tiết kiệm hoàn toàn về sau.
Mức độ linh hoạt rất cao vì làm từ các chất liệu có tính đàn hồi, dễ dàng đưa vào và lấy ra khỏi âm đạo một cách nhanh chóng và gọn gàng khi đã quen.
Đảm bảo vệ sinh do chất lỏng kinh nguyệt chỉ ở phía trong, không tiếp xúc không khí nên không kích thích vi khuẩn phát triển, không có mùi hôi hay làm ngứa ngáy, khó chịu.
Nhiều kích cỡ đa dạng cho các đối tượng khác nhau. Các nhãn hàng cốc nguyệt san thường cung cấp đa dạng kích cỡ để phù hợp với nhiều mục đích và lượng kinh nguyệt khác nhau. Khách hàng mục tiêu của sản phẩm có thể chia ra thành các đối tượng cụ thể như phụ nữ trẻ chưa sinh con/đã sinh con, tham gia thể thao vận động, có âm đạo ngắn, bàng quang nhạy cảm… với lượng kinh nguyệt ít, trung bình đến nhiều và rất nhiều.
Giải quyết vấn đề ố, bẩn vì chất lỏng bên trong cốc kín, không rỉ ra ngoài (do nhà sản xuất đã lường đến những lượng kinh nguyệt nhiều nhất) nên không lo lắng những vết ố trên quần áo, trên ga giường như lúc sử dụng băng vệ sinh và tampon.
Theo dõi chính xác lượng kinh nguyệt trong chu kỳ (kể cả màu sắc và những bất thường) để “lắng nghe” cơ thể mình tốt hơn, từ đó điều chỉnh thói quen sinh hoạt cho phù hợp hoặc chủ động đi khám khi cần thiết. Ngoài nắm bắt về hình mẫu chu kỳ của chính mình, biết khi nào mình thực sự đang thụ thai, việc nhìn thấy rõ lượng, đặc điểm kinh nguyệt của mình còn giúp tăng cường nhận thức chung về sức khỏe và kiểm soát cảm xúc trong kì “đèn đỏ”.
Vận động mạnh và đặc biệt là bơi lội thoải mái như ngày thường mà không sợ tràn do cốc đã tạo một lớp chắn vừa đủ để ngăn kinh nguyệt chảy ra ngoài. Nỗi lo không thể tận hưởng trọn vẹn những dịp nghỉ mát mùa hè hay cuộc thi thể thao của phụ nữ giờ đây đã được xử lí dễ dàng hơn rất nhiều.
Cân bằng độ pH của âm đạo và bảo vệ vi khuẩn có lợi. Cốc nguyệt san không làm khô âm đạo và mất đi độ ẩm tự nhiên, nên bảo vệ được những vi khuẩn có lợi, giúp bạn tránh được các loại bệnh viêm nhiễm vùng kín.
Thân thiện với môi trường một cách bền vững. Nhờ vào tính chất tái sử dụng đầy ưu việt của nó mà cốc nguyệt san đã giúp giảm thiểu được một lượng lớn rác thải sinh hoạt hàng năm ra môi trường, cũng như tiết kiệm tài nguyên (như gỗ, bông, nước, hoá chất, thuốc trừ sâu, phân bón hoá học sử dụng trong trồng trọt bông, …) sử dụng để sản xuất băng vệ sinh. Ước tính trong vòng 10 năm, một chiếc cốc chỉ tạo ra 0.4% mức rác thải nhựa đến từ băng vệ sinh dùng một lần. Thay vì sử dụng hơn 11.000 miếng băng vệ sinh trong cuộc đời, mỗi phụ nữ chọn dùng cốc nguyệt san (từ 2-10 cốc nguyệt san) sẽ giúp giảm đi cả một xe tải lớn rác thải sinh hoạt.
Cách sử dụng
Nhiều bạn nữ tại Việt Nam đã trải nghiệm cốc nguyệt san và thấy được sự tiện dụng và lợi ích của nó, khẳng định nó nên là vật “bất ly thân” của phụ nữ và không muốn quay lại sử dụng băng vệ sinh nữa.
Xem video hướng dẫn sử dụng cốc nguyệt san tại đây (có thể cài đặt chế độ phụ đề tiếng việt để dễ hiểu nhé)
2. Bạn đã thực sự hiểu ảnh hưởng của băng vệ sinh lên sức khỏe và môi trường sống?
Thực tế, thông tin và kiến thức về kinh nguyệt chưa được cung cấp đầy đủ (nhiều nơi ở châu Á còn e ngại hoặc bị xem là điều cấm kị khi nói đến) nên phần lớn phụ nữ châu Á vẫn còn ít kiến thức để có thể quyết định sản phẩm vệ sinh nào là an toàn, tiện lợi nhất và tiết kiệm về lâu dài. Phụ nữ Việt Nam cũng vậy, nhìn chung vẫn chưa biết nhiều ảnh hưởng đến sức khoẻ cũng như tác động về môi trường của các dạng sản phẩm sử dụng trong kỳ kinh nguyệt. Đa phần phụ nữ đang dùng băng vệ sinh một lần, thậm chí có thể còn chưa từng nghe đến cốc nguyệt san, tampon,....
Mặc dù, việc phụ nữ được tiếp cận băng vệ sinh với tỉ lệ cao, kể cả khu vực nông thôn hay vùng sâu vùng xa là tín hiệu tốt so với trước đây. Tuy nhiên, bạn có thể chưa hiểu hết và bất ngờ với những thông tin dưới đây về miếng băng vệ sinh nhỏ mà bạn vẫn thường sử dụng.
Nếu sử dụng ở nơi có khí hậu nóng ẩm như Việt Nam có thể dẫn tới tỉ lệ phụ nữ mắc bệnh viêm nhiễm phụ khoa cao (như nước ta lên đến 90%). Một trong những nguyên nhân phổ biến là do khí hậu nóng ẩm dễ tạo môi trường cho vi khuẩn sinh sôi, gây bệnh; không thay băng vệ sinh kịp thời và thói quen vệ sinh không đúng cách.
Băng vệ sinh đã sử dụng, khi vứt bỏ có thể trở thành nguồn lây bệnh như các loại bệnh lây nhiễm qua đường tình dục hoặc HIV, theo các bác sĩ chuyên khoa tại Ấn Độ nhận định. Băng vệ sinh đã sử dụng cũng là nguồn làm phát triển vi khuẩn có hại cho môi trường.
Đặc biệt, có thể hơn 600 năm để băng vệ phân hủy hoàn toàn khỏi môi trường do nó sử dụng các thành phần từ nhựa (chưa kể túi nilong để bọc từng miếng băng vệ sinh và để đựng cả gói). Do đó, việc tiêu hủy lượng băng vệ sinh thải ra môi trường hàng năm đang trở thành gánh nặng vô cùng lớn, chưa kể nó có thể được chôn lấp hoặc thải ra sông, biển làm ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước và cuối cùng là thực phẩm chúng ta ăn.
Mặc dù băng vệ sinh hiện nay đã được cải tiến hơn, (chủ yếu làm từ cotton hoặc sợi rayon hoặc kết hợp với nhựa) nhưng băng vệ sinh miếng vẫn có thể có những thành phần chứa chất tẩy trắng (bao gồm cả dioxin), gây ảnh hưởng cho sức khỏe sinh sản của phụ nữ (dioxin là chất độc rất nguy hiểm, được sử dụng trong chiến tranh Việt Nam). Ngoài ra, một số loại băng vệ sinh có thể chứa các hợp chất hữu cơ dễ bay hơi (VOCs) không có lợi cho sức khoẻ do sử dụng các chất kết dính và một số thành phần làm từ vật liệu nhựa.
Việc cố định miếng băng vệ sinh trong những ngày bạn bắt buộc phải tham gia các hoạt động thể chất là điều rất phiền phức. Nó tạo cảm giác ngứa ngáy và không thoải mái, đòi hỏi sự điều chỉnh thường xuyên để tránh tràn kinh nguyệt khiến phụ nữ phần nào cảm thấy kém tự tin hơn mỗi lần đến kì “đèn đỏ” và bắt buộc phải hạn chế vận động mạnh. Băng vệ sinh cũng là lí do nhiều phụ nữ giật mình tỉnh dậy giữa đêm với nỗi lo lệch băng dẫn đến tràn kinh nguyệt và làm bẩn ga giường (điều mà người dùng cốc nguyệt san không cần bận tâm đến).
Chỉ có lợi ngay trước mắt, ngắn hạn cho ví tiền vì mua 1 bịch băng vệ sinh rất rẻ nếu so sánh với cốc nguyệt san. Tuy nhiên, mỗi kì kinh nguyệt thường kéo dài khoảng 5 ngày, mỗi ngày bạn lại sử dụng và vứt bỏ trung bình 3 miếng băng, tính ra tổng chi phí hàng tháng từ 30.000 – 40.000 đồng. Trong khi đó, chi phí hàng tháng nếu dùng cốc nguyệt san chưa đến 10.000 đồng.
Do tâm lý e ngại và lo lắng, cùng với các rào cản văn hóa lâu đời, thiếu thông tin và sự chiếm lĩnh thị trường của băng vệ sinh dùng một lần nên nhiều phụ nữ chưa mạnh dạn tìm kiếm những giải pháp tối ưu cho vấn đề kinh nguyệt. Tuy nhiên, các sản phẩm thế hệ mới, trong đó có cốc nguyệt san (thực ra cốc nguyệt san đã được cấp bằng sáng chế từ năm 1932 và bắt đầu được sản xuất với chất liệu silicone vào năm 2002) đang đi từng bước trong quá trình làm thay đổi thói quen sinh hoạt của phụ nữ trên thế giới nói chung, và Việt Nam nói riêng (đặc biệt là các bạn làm văn phòng) để vừa tạo sự thoải mái trong kì “đèn đỏ”, vừa tiết kiệm chi phí, vừa hạn chế tối đa lượng rác thải đang làm ô nhiễm môi trường sống chung. Hãy tự trang bị những kiến thức sức khỏe giới tính cần thiết vì chỉ bản thân bạn mới biết điều gì thật sự có lợi cho mình.
Nếu lựa chọn cốc nguyệt san, bạn chỉ cần lưu ý chọn kích cỡ phù hợp (thường có 2 kích cỡ) và làm toàn bộ bằng silicone y tế, tất nhiên không quên “đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng” (bởi bạn có thể sẽ hơi lúng túng trong những lần đầu sử dụng). Bạn đã sẵn sàng thử một sản phẩm vệ sinh phụ nữ cấp tiến hơn, hòa nhập với xu hướng phát triển chung đề cao “lối sống 3R” thân thiện với môi trường của thế giới chưa? Nếu bạn đã sử dụng, hãy chia sẻ với bạn bè, đồng nghiệp bởi lời khuyên và kinh nghiệm từ một người thân quen sẽ tạo động lực trải nghiệm lớn hơn nhiều.
Dũng cảm và chấp nhận cái mới để cảm nhận nhiều điều tốt đẹp hơn đang chờ bạn phía trước!
Tải Ấn bản lần thứ nhất do Oagree phát hành về các kiến thức, kinh nghiệm quan trọng, giúp nâng cao sức khoẻ, hệ miễn dịch và bảo vệ môi trường sống tại đây.
Tham gia nhóm "oagree.com - sức khoẻ và môi trường sống" tại đây (https://www.facebook.com/groups/oagree) để cùng chia sẻ các kiến thức và kinh nghiệm giúp nâng cao sức khoẻ bản thân và gia đình mình trong điều kiện môi trường sống ngày càng rủi ro và khắc nghiệt nhé.
Cập nhật thông tin hữu ích khác từ Oagree.com tại website: https://oagree.com hoặc https://www.facebook.com/oagree.fanpage
Nguồn tham khảo:
https://www.healthline.com/health/womens-health/menstrual-cup-comparison#Advantages-of-Menstrual-Cups
https://health.clevelandclinic.org/tired-of-tampons-here-are-pros-and-cons-of-menstrual-cups/
https://www.indiatoday.in/lifestyle/wellness/story/menstrual-hygiene-managing-periods-women-health-tampons-pads-india-lifest-979769-2017-05-29
https://www.theguardian.com/sustainable-business/2015/apr/27/disposable-tampons-arent-sustainable-but-do-women-want-to-talk-about-it
https://www.theconversation.com/amp/menstrual-cups-vs-tampons-heres-how-they-compare-120499
Tổ chức xuất bản các nghiên cứu học thuật có trụ sở tại Thuỵ sỹ_ Nghiên cứu của Đại học Anglia Ruskin, Cambridge, Vương quốc Anh (https://www.mdpi.com/2071-1050/11/2/473/htm#B1-sustainability-11-00473)
https://www.abc.net.au/news/2017-10-27/which-period-product-is-best-for-the-environment/9090658
https://menstrualcupreviews.net/swimming-with-menstrual-cup/