Nói không với ống hút nhựa vì chính sức khoẻ của bạn
10:00 - 10/10/2020
2666 lượt xem.
Ít người để ý rằng, chiếc ống hút nhựa nhỏ bé tưởng chừng như vô hại kia, ngoài gây ô nhiễm đến môi trường, còn là tác nhân gây hại sức khỏe của chúng ta trong cả ngắn hạn và dài hạn
(Nếu có ít thời gian, bạn có thể nghe (podcast) nội dung bài viết tại đường dẫn dưới đây, tranh thủ lúc chạy bộ, nấu ăn, lái xe hay trước khi đi ngủ,... Lưu ý, có thể download về trong thư mục thư viện của Youtube trên điện thoại để nghe offline nhé)
Bạn có biết, thực phẩm chúng ta ăn hàng ngày đang báo động vì lượng hạt vi nhựa bên trong. Thường những gì không gây hại ngay tức khắc thì người ta cũng chẳng bận tâm mà chỉ tặc lưỡi cho qua. Tuy nhiên, khi những hạt vi nhựa nhỏ bé kia không được thải ra khỏi cơ thể, chúng sẽ tích tụ dần trong các mô mỡ, trong các cơ quan nội tạng cho đến khi cơ thể phát bệnh. Nếu biết chúng ta, người thân, kể cả con cháu mình có thể bị bệnh vì ăn phải thực phẩm ô nhiễm như vậy, bạn có sẵn sàng giảm ống hút nhựa trên cốc café mà bạn đang cầm trên tay?
Tại sao mọi người lại có thói quen dùng ống hút?
Ống hút ban đầu được tạo ra để hỗ trợ những người đau ốm nằm trên giường bệnh để hỗ trợ họ ăn uống một cách dễ dàng hơn. Tuy nhiên với sự ra đời của ống hút làm bằng nhựa vừa rẻ, vừa tiện lợi nên nó đã trở nên phổ biến trong cuộc sống hàng ngày.
Đối với người bình thường, ống hút thường đơn giản chỉ là giúp người ta uống nước một cách “chanh sả” hơn sao cho miệng không chạm cốc, những cô nàng thì không bị dính son vào miệng cốc mà thôi!
Tiện nhưng không lợi cho sức khỏe
Do rẻ, tiện lợi và phù hợp với “trào lưu”, nên ống hút nhựa dùng 1 lần được sử dụng một cách tràn lan, lãng phí. Ít người để ý rằng, chiếc ống hút nhỏ bé tưởng chừng như vô hại kia ngoài làm ô nhiễm đến môi trường, lại còn là tác nhân gây hại sức khỏe của chúng ta.
Các chất hóa học để sản xuất ống hút nhựa nói riêng và sản phẩm nhựa nói chung (như nhiều chất phụ gia, chất xúc tác,… ) rất độc hại đối với con người, đặc biệt là khi chúng được để trong cốc đồ uống nóng hoặc ngâm trong các loại nước hoa quả giàu axit hoặc giàu chất béo (tìm hiểu thêm về các chất hoá học độc hại trong nhựa tại đây). Thực tế, nhiều ống hút nhựa được sản xuất từ nhựa tái chế, không đảm bảo vệ sinh và an toàn.
Ngoài ra, ống hút nhựa còn gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ khi chơi đùa do trẻ nhỏ thường bỏ vào miệng hoặc gặm cắn chúng. Thậm chí, việc dùng ống hút để hút mạnh các hạt trân châu ở trong trà sữa đã gây ra trường hợp tử vong do bị tắc đường thở.
Ảnh hưởng nặng nề đối với môi trường
Một chiếc ống hút nhựa có thể chỉ sử dụng trong 10 phút, nhưng sẽ mất đến 450 năm để phân hủy. Thế nhưng hàng ngày, hàng giờ vẫn có rất nhiều ống hút nhựa được thải ra ngoài môi trường. Rồi chúng sẽ đi về đâu?
Ống hút nhựa bị xả thải ra môi trường phần lớn sẽ được cuốn trôi theo các dòng sông và ra biển (ít khi được thu gom, xử lý). Với kích thước nhỏ và rất nhẹ nên chúng có khả năng cao bị các động vật biển ăn phải. Ngoài ra, do quá trình thoái hoá của nhựa, các ống hút sẽ vỡ ra thành các hạt vi nhựa siêu nhỏ và tiếp tục được các loài sinh vật biển hấp thụ, dần dần theo chuỗi thức ăn vào cơ thể con người.
Theo Diễn đàn Kinh tế Thế giới (xem thêm báo cáo tại đây), đến năm 2050, ước tính tổng khối lượng rác thải nhựa thải ra biển còn nặng hơn tổng khối lượng cá trên đại dương.
Ở Việt Nam, ống hút nhựa là vật dụng được ưa chuộng trong các nhà hàng, khách sạn, quán café, trà sữa do rẻ và tiện dụng. Chưa có thống kê chính thức về số lượng ống hút nhựa sử dụng ở Việt Nam. Tuy nhiên, nếu chỉ cần quan sát tại các quán café, nhà hàng (kể cả ăn uống tại chỗ hay ship online) đã có thể khẳng định rằng số lượng tiêu dùng khổng lồ.
Công cuộc thay thế ống hút nhựa đầy nan giải
Đồ nhựa sử dụng một lần nói chung và ống hút nói riêng là sản phẩm của cuộc sống vội vã, của lối sống tiêu dùng thiếu trách nhiệm đối với tương lai. Vì nhu cầu của các “thượng đế” là muốn rẻ, nhanh chóng, tiện lợi, không phải chờ đợi lâu và ống hút nhựa đáp ứng đầy đủ các tiêu chí ấy. Bên cạnh đó, mục đích của kinh doanh là lợi nhuận nên hầu như các quán café, trà sữa, nhà hàng đều sử dụng ống hút nhựa vì giá thành rất rẻ.
Hiện nay, có rất nhiều nguyên liệu để sản xuất ống hút 1 lần được kêu gọi nhằm thay thế ống hút nhựa như: ống hút cỏ, ống hút giấy, ống hút gạo,…. Nhưng thực tế những nguyên liệu thay thế này đều cần phải trải qua quá trình sản xuất nhiều công đoạn, tiêu tốn tài nguyên thiên nhiên và sẽ có thêm một lượng lớn diện tích đất đai, nước, năng lượng, máy móc thiết bị, kể cả hoá chất được sử dụng để sản xuất chúng.
Vậy chúng ta có thể làm được gì?
Tại sao khi uống café, trà sữa lại phải dùng ống hút? Tại sao không uống trực tiếp từ cốc?
Bình thường chúng ta ở nhà uống nước bằng ly và cốc mà không cần dùng ống hút thì chẳng có lý do gì khi chúng ra đến quán bắt buộc phải dùng ống hút cả. Cha ông ta từ xưa không dùng ống hút mà vẫn uống nước từ cốc bình thường đấy thôi!
Cách đơn giản nhất mà chúng ta có thể làm là đừng dùng ống hút nữa. Café của chúng ta không ngon hơn, cũng không dở đi vì chiếc ống hút, phải không các bạn? Trong một số trường hợp khác, chúng ta có thể dùng thìa tái sử dụng (thìa inox) để thưởng thức các loại sinh tố, hoa quả,… (đơn giản, chỉ cần nói với người bán hàng lúc gọi đồ uống là chúng ta không dùng ống hút).
Ngoài ra, chúng ta có thể chủ động mang theo bình cá nhân khi muốn mua đồ uống mang về để hạn chế sử dụng cốc, ống hút nhựa 1 lần, thậm chí ưu tiên lựa chọn những quán café, đồ uống thân thiện môi trường để khuyến khích những quán café, đồ uống khác thay đổi theo.
Một cái ống hút nhựa, 1 chiếc cốc nhựa, mặc dù rất nhỏ bé, nhưng nếu tất cả cùng thực hiện và lan toả để xây dựng thói quen hạn chế sử dụng đồ nhựa một lần sẽ góp phần rất lớn giúp bảo vệ chính sức khoẻ và môi trường sống trong tương lai của chúng ta.
Tương lai này, trái đất này thuộc về những người trẻ nhưng chính thế hệ trẻ lại là nhóm thường xuyên uống trà sữa, café sử dụng cốc nhựa, ống hút nhựa dùng một lần. Bạn có biết rằng, khi bạn cầm trên tay một cốc café, trà sữa với cốc nhựa, ống hút nhựa, rất có thể đang có những ánh mắt nhìn bạn đầy ái ngại. Thế giới đang thay đổi rất nhanh và tất cả đang kỳ vọng rất nhiều về thế hệ trẻ. Nếu thế hệ trẻ chúng ta không bảo vệ sức khoẻ, môi trường sống của chính chúng ta từ những việc làm nhỏ nhất, không hành động ngay hôm nay thì chúng ta đang chờ đợi ai và liệu có trở nên quá muộn?
(Đừng ngần ngại trở thành những người tiên phong cho lối sống có trách nhiệm, không chỉ trong việc đơn giản này mà còn trong nhiều hoạt động khác, bởi đó là chính là con đường dẫn bạn đến thành công và tìm thấy giá trị của cuộc sống)
Tham gia nhóm "oagree.com - sức khoẻ và môi trường sống" tại đây (https://www.facebook.com/groups/oagree) để cùng chia sẻ các kiến thức và kinh nghiệm giúp nâng cao sức khoẻ bản thân và gia đình mình trong điều kiện môi trường sống ngày càng rủi ro và khắc nghiệt nhé.
Cập nhật thông tin hữu ích khác từ Oagree.com tại website: https://oagree.com hoặc https://www.facebook.com/oagree.fanpage
Nguồn tham khảo:
Diễn đàn Kinh doanh Ấn Độ: (https://www.businessinsider.in/tech/by-2050-the-oceans-could-have-more-plastic-than-fish/articleshow/56801041.cms)
Diễn đàn kinh tế thế giới (http://www3.weforum.org/docs/WEF_The_New_Plastics_Economy.pdf)
Chương trình làm sạch rác thải nhựa trong biển Bantic của Liên minh châu Âu: (https://www.blastic.eu/knowledge-bank/impacts/toxicity-plastics/)
Tổ chức vì môi trường One Green Planet: (https://www.onegreenplanet.org/environment/how-plastic-from-our-clothing-is-ending-up-in-fish/)
Tạp chí National Geographic: (https://www.nationalgeographic.com/news/2017/08/ocean-life-eats-plastic-larvaceans-anchovy-environment/)
Chương trình làm sạch rác thải nhựa trong biển Bantic của Liên minh châu Âu: (https://www.blastic.eu/knowledge-bank/introduction-plastic-marine-litter/plastic-industry)