Quần áo mới có đẹp như bạn thấy?

Quần áo mới có đẹp như bạn thấy?

11:00 - 23/08/2019

3402 lượt xem.

Bạn thay quần áo mới liên tục để trông xinh đẹp hơn nhưng sức khoẻ, môi trường sống của con cái bạn trong 5 -10 năm nữa sẽ xấu đi (và có thể là vô cùng tồi tệ). Lựa chọn nào dành cho bạn để không lấy đi tương lai của con cái mình? Tìm hiểu và hành động khi còn có thể.

 

Bạn thay quần áo mới liên tục để trông xinh đẹp hơn nhưng sức khoẻ, môi trường sống của con cái bạn trong 5 -10 năm nữa sẽ xấu đi (và có thể là vô cùng tồi tệ). Lựa chọn nào dành cho bạn để không lấy đi tương lai của con cái mình? Tìm hiểu và hành động khi còn có thể.

Hoá chất độc hại sử dụng trong quá trình sản xuất quần áo

  • Nếu bạn đã từng tự hỏi, làm thế nào để bông trở thành loại vải bền như vải denim hay biến tre thành một chiếc áo? Câu trả lời là: rất nhiều hóa chất. Chất lượng vải càng cao, quy trình sản xuất càng sử dụng nhiều hóa chất. Ước tính 43 triệu tấn hóa chất mỗi năm được sử dụng cho sản xuất dệt may, con số này thậm chí còn chưa tính đến lượng thuốc trừ sâu được sử dụng hàng năm để trồng nguyên liệu tự nhiên, như bông.

  • Sản xuất dệt may sử dụng hơn 8.000 loại hóa chất khác nhau, chưa kể, riêng hoá chất nhuộm đã bao gồm hơn 10.000 loại khác nhau. Ước tính khoảng 30% trong số chúng là độc hại.

  • Cả vải tổng hợp và vải làm từ các sản phẩm tự nhiên đều sử dụng hóa chất. Vải được tẩy trắng, nhuộm và xử lý bằng cách nhúng trong hóa chất trước khi được rửa sạch. Quá trình này sử dụng rất nhiều nước.

    Nhuộm vải

  • Một số hóa chất được sử dụng phổ biến nhất hiện nay nhưng độc hại như:

- Hóa chất perflourated và polyflourated (PFC), được sử dụng để nhuộm quần áo và chống vết bẩn. PFC ảnh hưởng đến gan và có liên quan đến một số bệnh ung thư.

- Chất chống cháy, như chất làm chậm cháy brôm có thể can thiệp vào hệ thống hormone. nhưng vẫn thường được tìm thấy trên quần áo trẻ em.

- Thuốc nhuộm vải có thành phần là các kim loại nặng, như cadmium, chì và thủy ngân, đều độc hại. Azo là loại thuốc nhuộm phổ biến (chiếm tới 60-70% các loại thuốc nhuộm được sử dụng) do phù hợp với nhiều loại vải, tạo ra màu sắc tươi sáng, rực rỡ và rẻ tiền. Tuy nhiên, thuốc nhuộm azo giải phóng chất gây ung thư là các amin thơm. Trên thực tế có một số thuốc nhuộm thân thiện môi trường, không ảnh hưởng sức khoẻ nhưng vẫn chưa được sử dụng nhiều.

  • Phần lớn quá trình sản xuất, gia công sản phẩm dệt may diễn ra ở các nước đang phát triển. Ước tính ngành dệt thải ra 2,5 tỷ tấn nước thải mỗi năm và 20% ô nhiễm nước công nghiệp đến từ sản xuất hàng dệt may. Ở các nước sản xuất, gia công hàng dệt may lớn như Trung Quốc, 70% sông hồ bị ô nhiễm. Các ngôi làng nằm gần các con sông bị ô nhiễm đã gia tăng số người bị ung thư và các biến chứng sức khỏe khác hoặc ở Bangladesh, sông Buriganga bị ô nhiễm hóa chất độc hại và kim loại nặng đến mức không thể duy trì sự sống.

Không phải mỗi hoá chất trong quá trình sản xuất, ảnh hưởng độc hại từ ngành công nghiệp thời trang còn bắt đầu từ nguyên liệu đầu vào

  • Ảnh hưởng đến môi trường của quần áo bắt đầu từ lâu trước khi diễn ra hoạt động sản xuất sợi thành vải. Trong tổng sản lượng hàng dệt may, hàng dệt may polyester chiếm 55% và hàng dệt bông chiếm 27%.

Đối với hàng dệt may từ vật liệu tổng hợp: 60% vật liệu được sử dụng để sản xuất quần áo đến từ sợi tổng hợp như polyester, nylon và acrylic.

Trong năm 2015, ước tính 98 tỷ tấn dầu mỏ đã được sử dụng cho ngành dệt để trực tiếp tạo ra sợi dệt tổng hợp hoặc sản xuất phân bón, hoá chất cho trồng trọt, sản xuất, gia công hàng dệt may. Hàng năm, ước tính có khoảng 53 triệu tấn sợi polyester được sản xuất ra để phục vụ cho việc sản xuất quần áo. Có nhiều ý kiến cho rằng polyester thân thiện với môi trường hơn bông bởi vì sản xuất polyester sử dụng ít nước hơn trồng bông. Hơn nữa, polyester giữ lại thuốc nhuộm tốt hơn bông và sử dụng ít hóa chất hơn trong quá trình nhuộm. Tuy nhiên, sản xuất polyester cũng phụ thuộc vào việc sử dụng kim loại nặng, chủ yếu là antimon. Mặc dù không gây hại cho người mặc nhưng antimon là chất gây ung thư (nếu hít phải) nên sẽ ảnh hưởng đến công nhân trong quá trình sản xuất. Hơn nữa, antimon có thể được thải ra từ vải trong quá trình nhuộm và sau đó được thải vào nước.

Ô nhiễm môi trường còn đến từ khâu sử dụng cuối cùng. Mỗi khi bạn giặt một chiếc áo len lông cừu, áo sơ mi polyester hoặc áo len acrylic, quần áo của bạn sẽ bị bong ra các hạt nhựa siêu nhỏ vào nguồn nước và tạo ra ô nhiễm đại dương. Nửa triệu tấn hạt nhựa siêu nhỏ (microplastic) được thải vào đại dương mỗi năm, tương đương với 50 tỷ chai nước bằng nhựa từ sản phẩm quần áo.

Đối với hàng dệt bông: Ước tính hàng năm, 200.000 tấn thuốc trừ sâu được sử dụng để trồng bông. Tiếp xúc với các loại thuốc trừ sâu này dẫn đến nhiều loại bệnh tật của nông dân trồng bông. Bông là một loại cây trồng cần nhiều nước. Uớc tính cần khoảng 2.700 lít nước để sản xuất ra lượng bông làm 1 chiếc áo thun ngắn tay, chưa kể lượng nước cần để nhuộm và hoàn thiện vải dệt.

Trồng bông cũng tiêu dùng nhiều nước, thuốc trừ sâu, phân bón hoá học

Các công ty đang đưa ra thị trường nhiều quần áo từ cotton hữu cơ và xem đó là một sự thay thế bền vững. Câu chuyện các công ty sản xuất kể cho người tiêu dùng thật hấp dẫn, như bằng cách sử dụng bông hữu cơ, người tiêu dùng giúp nông dân - và vùng đất trồng bông - không tiếp xúc với thuốc trừ sâu dư thừa, hóa chất độc hại, quần áo mặc cũng an toàn hơn. Tuy nhiên, bông hữu cơ, một thuật ngữ thường được sử dụng, không có nghĩa là bông sạch hơn bởi phần lớn các vấn đề gây hại cho môi trường xảy ra trong giai đoạn sử dụng hoá chất để biến bông thành sợi mịn sau khi thu hoạch (tức là nguyên liệu là bông hữu cơ hay bông biến đổi gen,… đều phải sử dụng hoá chất để biến thành vải). Trong khi đó, trồng bông hữu cơ sử dụng lượng nước nhiều gấp ba lần so với bông thông thường/bông biến đổi gen và thường cho năng suất thấp hơn. Đây là một vấn đề khó vì các khu vực sản xuất bông hữu cơ hàng đầu tại Ấn Độ, Trung Quốc, Kyrgyzstan, Thổ Nhĩ Kỳ và Tajikistan lại là nơi khan hiếm nước. Tức là quần áo từ bông hữu cơ (có thể tốt hơn cho sức khoẻ) nhưng chưa hẳn đã tiết kiệm tài nguyên và tốt hơn cho môi trường lâu dài.

Khăn làm từ bông hữu cơ

Đối với hàng dệt từ Rayon (hay còn gọi viscose): là loại sợi được tạo ra từ những vật liệu có nguồn gốc cellulose (bột gỗ, vải vụn…) . Chất liệu mượt và bền làm cho nó trở thành một sự thay thế rẻ tiền cho lụa và ngày càng phổ biến.

Rayon được sản xuất thông qua một quá trình sử dụng nhiều hóa chất, năng lượng và nước để chuyển đổi bột gỗ thành vải dệt (các nhà máy đã hòa tan bột gỗ trong dung dịch hóa học, sau đó tạo ra một chất có thể được kéo thành sợi). Sự gia tăng sản xuất rayon đã dẫn đến gia tăng nạn phá rừng. Trên thực tế, ước tính 30% rayon được làm từ gỗ có nguồn gốc từ các khu rừng được bảo vệ hoặc có nguy cơ tuyệt chủng. Ước tính hơn 150 triệu cây được biến thành vải mỗi năm.

Trong khi đó, một báo cáo cho thấy các nhà máy sản xuất viscose ở Trung Quốc đã góp phần gây ô nhiễm không khí và nước nghiêm trọng. Các khu dân cư gần các nhà máy có hàm lượng carbon disulfua (CS2) cao gấp 3 lần giới hạn cho phép. Carbon disulfua ảnh hưởng đến bệnh tim, dị tật bẩm sinh và ung thư.

Một số nguyên liệu thân thiện đang tạo xu hướng hiện nay

  • Tre, lanh: Vải tre, vải lanh là một thay thế thân thiện phổ biến hiện nay vì tre, cây lanh, cây gai dầu có thể tạo ra năng suất lớn hơn, sử dụng ít thuốc trừ sâu hơn bông thông thường và có thể trồng trên đất không canh tác nông nghiệp được. Tuy nhiên, cách phổ biến nhất để xử lý vải tre, vải lanh vẫn là thông qua quá trình sử dụng nhiều năng lượng và hóa chất độc hại để biến tre trở thành một vật liệu bán tổng hợp.

Sản phẩm làm từ tre và bông hữu cơ

Rác thải từ quần áo

  • Trước đây, quần áo được sản xuất theo mùa mỗi năm và việc mua sắm quần áo mới hàng tháng, hàng tuần được xem là ngớ ngẩn. Tuy nhiên, hiện nay, quần áo mới được đưa vào cửa hàng hàng tuần, thậm chí hàng ngày, thúc đẩy người tiêu dùng mua sắm quần áo mới liên tục.

Điều này dẫn tới rác thải từ quần áo cũng tăng lên chóng mặt, trong đó khoảng 66% được đưa đến các bãi rác và chỉ có 15% được tái chế.

  • Do cách sản xuất quần áo là pha trộn các vật liệu khác nhau, như hỗn hợp bông và polyester, nên gần như không thể tái chế và thu hồi các vật liệu được sử dụng. Ước tính có hơn 165.000 nguyên liệu kết hợp có thể được sử dụng để sản xuất vải. Việc kết hợp nhiều loại vật liệu là lý do tại sao hầu hết các sản phẩm dệt đều rất khó khăn để tái chế (do mỗi loại nguyên liệu cần kỹ thuật tái chế khác nhau), chưa kể việc kết hợp với nhiều loại hoá chất không được công bố rõ ràng.

Kết luận:

Tóm tắt những con số

  • Chỉ riêng ngành công nghiệp thời trang đã phát thải 10% khí thải cacbon toàn cầu

  • 43 triệu tấn hoá chất được sử dụng trong sản xuất hàng dệt may hàng năm

  • Gần 20% nước thải công nghiệp ô nhiễm đến từ việc sản xuất hàng dệt may

  • Chưa đến 1% lượng quần áo sản xuất ra được tái chế

Chúng ta không thể không mặc quần áo! Thời kỳ tiền sử đã cách rất xa.

Chúng ta không thể ăn mặc lôi thôi vì mọi người xung quanh sẽ nhìn ta như một chủng loài đã tuyệt chủng hoặc trong danh sách đỏ cần bảo vệ được!

Nhưng chúng ta có thể:

  1. Tiêu dùng một cách tiết kiệm, chỉ mua những bộ quần áo phù hợp và cần thiết.

  2. Đừng mang hết về nhà chỉ vì được giảm giá để rồi không dùng đến.

  3. Chúng ta có thể cho, tặng hay làm từ thiện nếu quần áo không dùng nữa.

  4. Tạo ra các vật dụng cần thiết khác như giẻ lau, túi đựng từ quần áo cũ hỏng.

Chúng ta không thể bỏ mặc tương lai của con cháu mình chỉ vì vẻ đẹp hiện tại. Trong lúc chờ đợi ngành công nghiệp thời trang có những thay đổi, chúng ta sẽ hành động vì tương lai của con mình trước.  

Bạn có nghĩ “Đơn giản là đẹp” đẹp cả tương lai?

(Nếu đồng ý hoặc có ý kiến khác, để lại bình luận để Oagree hiểu rõ hơn quan điểm của bạn và cộng đồng. Trân trọng cảm ơn)

Nguồn tham khảo:

  1. Tổ chức Hoa Kỳ Xanh: https://www.greenamerica.org/green-americas-2019-toxic-textile-report

  2. Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên: https://www.worldwildlife.org/stories/the-impact-of-a-cotton-t-shirt

Download bản pdf đầy đủ nội dung bài viết tại đây.

Chia sẻ tài liệu này với những người xung quanh để chung tay bảo vệ môi trường sống cho các thế hệ tương lai từ hành động nhỏ nhất. Đừng đứng ngoài cuộc vì tương lai của chính con bạn.

Tham gia nhóm "oagree.com - sức khoẻ và môi trường sống" tại đây (https://www.facebook.com/groups/oagree) để cùng chia sẻ các kiến thức và kinh nghiệm giúp nâng cao sức khoẻ bản thân và gia đình mình trong điều kiện môi trường sống ngày càng rủi ro và khắc nghiệt nhé.

Theo dõi các thông tin hữu ích khác để bảo vệ sức khoẻ và môi trường sống tại https://www.facebook.com/oagree.fanpage 

Đăng ký nhận bản tin

Đăng ký nhận thông tin từ Oagree.com để bảo vệ sức khỏe và môi trường sống.

Đăng ký