Những loại màng bọc thực phẩm có thể gây nguy hiểm cho sức khoẻ
09:00 - 19/07/2019
11161 lượt xem.
Gia đình bạn đang dùng loại màng bọc thực phẩm nào để bảo quản thức ăn? Kể cả những loại màng bọc thực phẩm đắt tiền, nhập khẩu từ nước ngoài chưa hẳn đã an toàn cho sức khoẻ
Màng bọc thực phẩm là sản phẩm quen thuộc trong nhiều gia đình vì nó rất tiện lợi trong việc bảo quản thức ăn. Hầu hết các dòng sản phẩm màng bọc thực phẩm đang bán tại thị trường Việt Nam (kể cả các dòng nhập khẩu đắt tiền tại các siêu thị lớn) có thành phần là Polyvinyl clorua (được viết tắt là PVC).
Thành phần màng bọc thực phẩm từ nhựa PVC
Loại màng bọc làm từ nhựa PVC dễ nhận biết bằng mắt thường do thường có màu đục, hơi vàng.
Tuy nhiên việc sử dụng nhựa PVC để làm màng bọc thực phẩm có thể dẫn tới những ảnh hưởng nguy hại cho sức khoẻ (ở Châu Âu, PVC bị cấm dùng làm bao bì thực phẩm). Ngoài nguyên nhân nhựa PVC thường chứa dư lượng vinylchoride có khả năng gây ung thư thì nhựa PVC rất cứng và có nhược điểm là chịu nhiệt kém (dưới 80 độ C) (trên 140 độ C, PVC đã bắt đầu bị phân huỷ và toả ra HCl độc hại, kể cả đun nóng lâu ở nhiệt độ trên 100C cũng bị phân huỷ) nên để sản xuất ra màng bọc mềm, dẻo đang được bán trên thị trường, nhà sản xuất phải cho vào chất phụ gia là các chất hoá dẻo. Chất hoá dẻo phổ biến nhất được sử dụng để sản xuất PVC là DEHP (Theo báo cáo của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC), 90% lượng DEHP được sản xuất ra trên thế giới được sử dụng cho sản xuất nhựa PVC). Trong các sản phẩm tiêu dùng như bao bì thức ăn (bao gồm cả màng bọc thực phẩm), đồ chơi, đồ dùng trẻ em và các vật dụng y tế có thể chứa từ 1-40% DEHP. DEHP (C6H4(C8H17COO)2) là một chất hóa học, hay chất phụ gia công nghiệp không được phép dùng trong sản xuất thực phẩm.
Đặc điểm của DEHP là không phản ứng hoá học hay hoà tan vào phân tử nhựa mà “trôi nổi” (nằm xen kẽ ở giữa các monomer) trong cấu trúc các mạch vinyl và dễ dàng hoà tan vào thực phẩm có chứa chất béo như dầu, sữa, cá,... ngay cả ở nhiệt độ thường. Chính vì vậy, nếu bạn đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trên một số màng bọc thì nhà sản xuất khuyến nghị không bọc các thực phẩm có chất béo.
Khuyến nghị của nhà sản xuất trên màng bọc thực phẩm ít người để ý
Vì vậy, nếu bạn phải dùng màng bọc thực phẩm trong một số tình huống, các gợi ý sau đây có thể giúp thực phẩm của bạn hạn chế tiếp xúc với DEHP:
Chỉ bảo quản thực phẩm khi đã nguội và bát đựng cần sâu lòng để thực phẩm cách xa (không tiếp xúc) với màng bọc thực phẩm;
Tránh bảo quản thực phẩm nhiều dầu mỡ vì khả năng thôi nhiễm các phụ gia độc hại vào thực phẩm sẽ cao hơn;
Không rã đông, chế biến bằng lò vi sóng hoặc các phương pháp gia nhiệt khác với đồ ăn được gói bằng màng bọc thực phẩm trước đó (kể cả các màng bọc được quảng cáo là sử dụng được trong lò vi sóng).
Tuy nhiên bạn nên hạn chế bảo quản thực phẩm bằng màng bọc thực phẩm (một số loại màng bọc không có thành phần PVC nhưng nhà sản xuất không công bố hết các phụ gia được thêm vào là gì) để hạn chế hoàn toàn việc thực phẩm bị thôi nhiễm các chất độc hại từ nhựa bằng một số cách đơn giản dưới đây:
Bảo quản thực phẩm chín trong các hộp thuỷ tinh hoặc bát sứ có nắp đậy;
Khi hâm nóng lại thức ăn bằng lò vi sóng, bạn nên sử dụng một chiếc đĩa bằng sứ đậy trên bát/hộp đựng thực phẩm mà không bọc màng bọc thực phẩm (sau đó có thể dùng chiếc đĩa đó để đựng món ăn khác trong bữa ăn, nếu bạn không muốn rửa nhiều bát đĩa).
Bảo quản thức ăn trong hộp thuỷ tinh hoặc bát sứ và Dùng đĩa đậy khi sử dụng trong lò vi sóng
Hạn chế dùng màng bọc thực phẩm, không chỉ giúp bạn bảo vệ sức khoẻ trước các chất độc hại (còn nhiều chất độc hại khác ngoài DEHP) mà còn giúp bảo vệ môi trường sống của chúng ta và con cháu chúng ta mai sau (vì quá trình sản xuất nhựa PVC gây ô nhiễm nguồn nước, không khí do thải ra khí HCl và chất dioxin gây ung thư,...), giảm rác thải nhựa cho trái đất.
Nhiều người thân và bạn bè của bạn chưa biết về những ảnh hưởng và cách dùng màng bọc thực phẩm, cung cấp cho họ những kiến thức này như một món quà bảo vệ sức khoẻ đầu năm mới nhé.
Một số thông tin bổ sung về ảnh hưởng đến sức khoẻ của DEHP
Về ảnh hưởng nguy hại đến sức khoẻ của DEHP, theo các báo cáo nghiên cứu (xem đầy đủ tại đây) của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế (IARC), của Cơ quan đăng ký các chất độc hại và theo dõi bệnh tật (ATSDR) thuộc Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Hoa kỳ, Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA),... cho thấy DEHP là chất độc tính, gây hỏng gan, thận, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản, gây rối loại nội tiết trong cơ thể động vật. Cụ thể, phơi nhiễm với DEHP đã được chứng minh là làm giảm số lượng tinh trùng ở động vật đực và giảm khả năng sinh sản ở cả động vật đực và cái. Khi tiếp xúc với động vật mang thai đã dẫn đến dị tật xương thai nhi. Khi phơi nhiễm với DEHP, con đực trưởng thành không có con và con đực nhỏ trong quá trình lớn lên sẽ bị teo tinh hoàn và giảm tế bào sinh tinh.
Về khả năng gây ung thư, mặc dù việc nghiên cứu ảnh hưởng của DEHP trên người bị hạn chế, Bộ Y tế và Dịch vụ Nhân sinh Hoa Kỳ, Cơ quan Nghiên cứu Ung thư Quốc tế (IARC), Cơ quan bảo vệ môi trường Hoa Kỳ (EPA) đều xác định và phân loại DEHP là chất có thể gây ung thư ở người. Theo đó, rất nhiều nước trên thế giới đã cấm sử dụng hoặc không được sử dụng cao hơn một tỷ lệ nhất định trong các sản phẩm mà con người có khả năng tiếp xúc và bị phơi nhiễm, như Liên minh Châu Âu xác định DEHP là chất độc sinh sản và cấm sử dụng làm nguyên liệu trong mỹ phẩm hoặc đồ chơi của trẻ em (Chỉ thị 2005/90/EC, xem tại đây); Quốc hội Hoa Kỳ và Uỷ ban bảo vệ người tiêu dùng của Australia cấm các sản phẩm đồ chơi trẻ em có nồng độ DEHP cao hơn 0,1%,... Các lệnh cấm này đều có yêu cầu nghiêm ngặt hơn đối với sản phẩm liên quan đến trẻ em vì theo các nghiên cứu cho thấy mức độ ảnh hưởng của DEHP lên trẻ em cao hơn người lớn. Tại Việt Nam, ngày 28/06/2011, sau vụ việc rúng động Đài Loan và trên thế giới về việc sử dụng DEHP trong thực phẩm (làm chất tạo đục trong một số nước uống, thạch,...), Bộ Y tế ban hành Quyết định số 2204/QĐ-BYT (xem tại đây) quy định mức giới hạn nhiễm chéo DEHP trong thực phẩm là không quá 1,5 mg/kg đối với thực phẩm (lưu ý là nhiễm chéo tức là bị thôi nhiễm từ các vật dụng đựng thực phẩm hoặc từ các nguồn khác, còn DEHP là hoá chất công nghiệp, đương nhiên không được sử dụng trong sản xuất thực phẩm).
Nguồn tham khảo:
- ATSDR - ToxFAQs™: Di(2-ethylhexyl)phthalate (DEHP)". atsdr.cdc.gov, 2015-10-27 (Báo cáo của Cơ quan đăng ký các chất độc hại và theo dõi bệnh tật (ATSDR) thuộc Bộ Y tế và dịch vụ nhân sinh Hoa kỳ),
- FDA Public Health Notification: PVC Devices Containing the Plasticizer DEHP, July 12, 2002 (Báo cáo của Cục quản lý Dược phẩm và thực phẩm Hoa Kỳ);
- EU ministers agree to ban chemicals in toys". EurActiv.com. 2004-10-07 (Lệnh cấm của Liên minh Châu Âu);
- https://toxnet.nlm.nih.gov/cgi-bin/sis/search2/r?dbs+hsdb:@term+@rn+@rel+117-81-7 (Báo cáo của Thư viên Y khoa Hoa Kỳ)
- https://monographs.iarc.fr/wp-content/uploads/2018/06/mono101-006.pdf (Báo cáo của Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế);
- http://vfa.gov.vn/tin-tuc/bo-y-te-ban-hanh-nguong-dehp-trong-thuc-pham.html (Thông báo cáo Bộ Y tế Việt Nam
- FOOD SCARE WIDENS:Tainted additives used for two decades: manufacturer, Taipei Times, May 29, 2011 (báo cáo về việc rúng động nhà sản xuất đưa DEHP vào đồ uống tại Đài Loan năm 2011).
Download bản pdf đầy đủ nội dung bài viết tại đây
Xem thêm "Nâng cao sức khoẻ, tiết kiệm túi tiền chỉ với 2 thay đổi nhỏ trong lựa chọn thực phẩm" tại đây
Tham gia nhóm "oagree.com - sức khoẻ và môi trường sống" tại đây (https://www.facebook.com/groups/oagree) để cùng chia sẻ các kiến thức và kinh nghiệm giúp nâng cao sức khoẻ bản thân và gia đình mình trong điều kiện môi trường sống ngày càng rủi ro và khắc nghiệt nhé.
Cập nhật thông tin hữu ích khác từ Oagree.com tại website: https://oagree.com hoặc https://facebook/oagree.fanpage