Cách làm sạch phổi tự nhiên

Cách làm sạch phổi tự nhiên

09:58 - 23/10/2020

2515 lượt xem.

Sự bùng phát của COVID19 nhắc nhở thêm cho chúng ta về tầm quan trọng của lá phổi. Bên cạnh việc giữ gìn đường hô hấp để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm nCoV, việc nuôi dưỡng lá phổi khoẻ mạnh (“làm sạch lá phổi tự nhiên”) sẽ góp phần nâng cao sức đề kháng, đặc biệt khi mùa khô hanh, mùa đông lạnh đang tới gần.

(Nếu có ít thời gian, bạn có thể nghe (podcast) nội dung bài viết tại đường dẫn dưới đây, tranh thủ lúc chạy bộ, nấu ăn, lái xe hay trước khi đi ngủ,... Lưu ý, có thể download về trong thư mục thư viện của Youtube trên điện thoại để nghe offline nhé)

https://youtu.be/1skiH58K6nU

Sự bùng phát của COVID19 nhắc nhở thêm cho chúng ta về tầm quan trọng của lá phổi. Bên cạnh việc giữ gìn đường hô hấp để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm nCoV, việc nuôi dưỡng lá phổi khoẻ mạnh (“làm sạch lá phổi tự nhiên”) sẽ góp phần nâng cao sức đề kháng, đặc biệt khi mùa khô hanh, mùa đông lạnh đang tới gần.

 

Phổi là cơ quan chịu trách nhiệm hô hấp trong cơ thể, phổi còn được ví như tấm màng lọc bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng. Nhưng dưới tác động hàng ngày của ô nhiễm không khí, lá phổi của chúng ta sẽ dần trở nên suy yếu. Theo  Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có 4,2 triệu ca tử vong hàng năm trên toàn thế giới do các bệnh liên quan đến ô nhiễm không khí, nên việc làm sạch phổi là rất cần thiết, đặc biệt trong điều kiện dịch bệnh hiện nay và tình trạng ô nhiễm không khí vào mùa đông ngày càng trầm trọng.

Làm sạch phổi tự nhiên là gì?  Đó là thanh lọc và làm khoẻ phổi mà không cần đến sự can thiệp của thuốc. Hãy cùng tìm hiểu thêm một số cách tự nhiên để làm sạch phổi dưới đây.

1. Điều chỉnh chế độ ăn uống

Theo nghiên cứu được đăng trên Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia Hoa Kỳ cho thấy thực phẩm giàu chất oxy hoá và giàu vitamin (rau, củ, trái cây) có lợi cho phổi hơn những loại thực phẩm khác.

Ngoài ra, một nghiên cứu khác năm 2010 của Trung tâm Ung thư Hollings, Đại học Y Nam Carolina, Hoa Kỳ đã chỉ ra rằng những người thường xuyên ăn các loại rau họ cải (cải ngọt, súp lơ,…) ít nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến phổi hơn. Các loại rau họ cải giàu isothiocyanates có thể bảo vệ chống lại bệnh ung thư phổi. Thật may mắn và phù hợp bởi vì rau họ cải thường phát triển tốt vào mùa lạnh (từ cuối thu, qua đông, cho đến đầu mùa xuân), cũng chính là thời điểm mà phổi chúng ta dễ bị tổn thương bởi ô nhiễm không khí, các dịch bệnh do virus như covid-19, cúm mùa hoặc do không khí quá lạnh,…

Vì vậy, tăng cường ăn rau họ cải vào mùa đông nói riêng và ăn rau, củ, quả đúng mùa vụ vừa có lợi cho sức khoẻ, vừa tiết kiệm tiền bạc, vừa hạn chế hấp thu các loại hoá chất độc hại do thời tiết phù hợp, người nông dân không phải dùng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hoá học (đúng như ông cha ta đã khuyên nhủ “mùa nào thức ấy”).

2. Tập thể dục thường xuyên

Khi tập thể dục, hai cơ quan quan trọng là tim và phổi sẽ đồng thời ‘làm việc’, phổi hoạt động liên tục để cung cấp lượng oxy cần thiết cho cơ thể, việc rèn luyện này sẽ giúp phổi của chúng ta khoẻ mạnh hơn. Đó là một trong những lý do mà bạn ít bị hụt hơi khi tập luyện đều đặn, lâu dài. Một nghiên cứu được chứng nhận bởi Hiệp hội hô hấp Châu Âu chỉ ra rằng tập luyện thể dục nói chung ở các cường độ khác nhau đều có vai trò làm tăng thể tích khí lưu thông (tăng thông khí phổi) và tăng khả năng sử dụng oxy của các mô ở các mức độ khác nhau ngay cả khi bạn gắng sức lúc tập hay khi nghỉ ngơi. Điều này có được là do luyện tập thể lực cải thiện sức lực của cơ bắp và tính bền bỉ của các cơ hô hấp, làm giãn nở lồng ngực, cải thiện lưu thông khí huyết ở phổi nhờ những thay đổi của hệ mạch máu ở phổi. 

Không chỉ giúp phổi trở nên khoẻ mạnh, tập thể dục có thể làm giảm nguy cơ mắc các bệnh nghiêm trọng, bao gồm bệnh tim, đột quỵ, tiểu đường và một số dạng ung thư, bao gồm cả ung thư phổi.

Nếu thời tiết thuận lợi (thường vào mùa xuân, mùa hè), nên ưu tiên tập thể dục ngoài trời do tập thể dục ngoài trời sẽ mang lại nhiều lợi ích sức khoẻ cho bạn hơn tập thể dục trong phòng, đặc biệt là giúp chúng ta tiếp xúc mặt trời để cơ thể tạo đủ vitamin D (xem tác dụng của vitamin D đối với cơ thể tại đây) giảm căng thẳng, giảm nguy cơ mắc bệnh trầm cảm, tiết kiệm tiền bạc (so với tập trong phòng gym)…

Tuy nhiên cần lưu ý:

  • Nếu không khí bị ô nhiễm, tập thể dục ngoài trời có thể không có lợi. Khi tập thể dục, cơ thể thường hít nhiều không khí hơn, hít thở vào phổi sâu hơn, nhiều khi thở bằng miệng. Do đó, nếu không khí ô nhiễm nặng, các hạt ô nhiễm (PM) có khả năng đi vào cơ thể nhiều hơn, gây nhiều bệnh liên quan đến đường hô hấp. Trong tình huống này, chúng ta có thể tập luyện trong nhà hoặc sử dụng máy tập thể dục.

  • Vì thể trạng mỗi người không giống nhau, do đó bạn nên chọn chế độ tập luyện phù hợp với mình. Ngoài ra, theo Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ, một số loại bài tập tăng cường các cơ ở cổ và ngực, bao gồm cơ hoành và cơ liên sườn, rất có lợi cho phổi.

  • Kiên trì tập luyện thường xuyên (nên tối thiểu 30 phút/ngày và 5 ngày/tuần).

3. Cải thiện chất lượng không khí trong nhà

Không khí trong nhà cũng là một trong những nguyên nhân tác động đến phổi. Bụi, hoá chất có thể tồn tại và tích tụ ngay trong căn nhà của bạn. Những người bị bệnh liên quan đến phổi thường dành nhiều thời gian trong nhà, đặc biệt là vào những ngày chất lượng không khí ngoài trời kém, vì vậy cải thiện chất lượng không khí trong nhà là điều vô cùng cần thiết, dưới đây là một vài gợi ý để nâng cao chất lượng không khí trong nhà:

  • Giảm sử dụng các chất tẩy rửa nhiều hoá chất, kể cả các sản phẩm chăm sóc cá nhân hoặc thay thế sang các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, tránh sử dụng bình xịt.

  • Thận trọng khi lựa chọn các đồ dùng nội thất bằng gỗ ép, gỗ công nghiệp như sàn gỗ, tủ gỗ,…Một căn nhà theo lối sống tối giản, ít đồ đạc có thể là một lựa chọn thích hợp để giảm các hoá chất độc hại.

  • Thay thế nhiên liệu nấu ăn từ gỗ, than đá, dầu hoả, gas sang nấu bằng bếp điện.

  • Mở cửa thông thoáng trong những ngày không khí ngoài trời không bị ô nhiễm để đẩy các khí hoá chất độc hại tích tụ trong nhà ra bên ngoài.

    Nhiều loại nội thất chứa Formaldehyd làm giảm chất lượng không khí trong nhà

Tìm hiểu đầy đủ hơn về 6 nguồn chính gây ô nhiễm không khí trong nhà và cách loại bỏ chúng tại đây.

  1. Bỏ hút thuốc lá

Bỏ hút thuốc lá là cách hiệu quả để chữa lành và giảm thiểu tổn thương phổi. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã thống kê rằng thuốc lá giết chết hơn 8 triệu người trên toàn cầu mỗi năm, trong đó hơn 7 triệu người tử vong do sử dụng thuốc lá trực tiếp và khoảng 1,2 triệu người tử vong dù không hút thuốc nhưng tiếp xúc với khói thuốc một cách thụ động. 

Mặt khác, theo đánh giá của hội đồng các chuyên gia y tế công cộng được WHO triệu tập vào ngày 29 tháng 4 năm 2020 cho thấy những người hút thuốc có nguy cơ mắc các biến chứng nghiêm trọng về sức khỏe do COVID-19 cao hơn so với những người không hút thuốc.

Ngoài ra, khói thuốc lá còn khiến bầu không khí bị ô nhiễm. Mỗi năm, ước tính có 1,4% diện tích rừng bị tàn phá để lấy gỗ sấy thuốc lá, ngoài ra, gỗ còn được sử dụng để xây lò sấy, làm giấy cuốn thuốc lá và bao bì đựng thuốc lá. Trong quá trình sản xuất thuốc lá, nhiều chất thải được thải ra môi trường, bao gồm: dung môi, bùn than, dầu nhựa, giấy và gỗ cũng như các chất thải hóa học độc hại khác.

Để bỏ thuốc lá, bạn nên dùng các liệu pháp thay thế nicotin như nhai kẹo cao su hoặc sử dụng miếng dán dành riêng cho người cai thuốc lá.

Ngoài những biện pháp làm sạch phổi tự nhiên nêu trên, hiện nay chỉ một vài thao tác bạn có thể tìm thấy hàng ngàn những loại thuốc dạng xịt được quảng cáo rằng ‘có thể làm sạch phổi nhanh chóng’ được bán trên internet, vậy những loại thuốc xịt này có thật sự hiệu quả?

Theo chuyên gia của Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ, hiện nay trên thị trường có một số loại thuốc xịt được quảng cáo chứa những ‘tinh dầu’ có lợi cho sức khoẻ, nhưng việc hít phải những loại dầu có chứa lipit có thể gây nguy hại đến sức khoẻ người sử dụng. Ngoài ra, nhiều sản phẩm ‘làm sạch’, ‘thải độc’ trên thị trường thuộc dạng thực phẩm chức năng hoặc không phải là thuốc, không được cơ quan y tế cấp phép, không đủ cơ sở khoa học để khuyến nghị sử dụng thường xuyên.

Vì vậy, sử dụng những biện pháp làm sạch phổi tự nhiên để bảo vệ lá phổi của bạn vừa an toàn, vừa hiệu quả lâu dài, tiết kiệm chi phí, hạn chế ô nhiễm nguồn nước (do các hoá chất chứa trong loại dược phẩm cuối cùng sẽ được xả thải xuống cống).

Theo một nghiên cứu mới của Đại học Bắc Carolina, phổi là cơ quan có chức năng tự làm sạch (ngoại trừ trường hợp bệnh nặng cần có sự can thiệp từ cơ quan y tế). Mặc dù phổi luôn có cơ chế để tự bảo vệ, tự phục hồi khỏi tổn thương, nhưng những lớp bảo vệ này sẽ mất dần chức năng sau một thời gian dài tiếp xúc với các chất độc hại từ ô nhiễm môi trường.

Các bác sỹ bệnh viện K cho biết: Qua nhiều nghiên cứu cho thấy 80% bệnh ung thư phổi gắn với môi trường, chế độ ăn uống, thói quen hút thuốc lá, điều kiện lao động, nhiễm độc nước, ô nhiễm không khí và nếp sống thiếu vệ sinh… Nếu có nhiều yếu tố phối hợp với nhau thì nguy cơ mắc bệnh càng tăng.

Bảo vệ sức khoẻ của bản thân và gia đình mình bắt đầu từ những hành động nhỏ, hàng ngày để góp phần đẩy lùi các nguy cơ gây tổn thương phổi. “Đường tuy ngắn nhưng không đi sẽ không bao giờ đến”, vì vậy cùng chia sẻ và thực hiện những thói quen tốt cho sức khoẻ, cho môi trường sống ngay hôm nay!

Tham gia nhóm "oagree.com - sức khoẻ và môi trường sốngtại đây (https://www.facebook.com/groups/oagree) để cùng chia sẻ các kiến thức và kinh nghiệm giúp nâng cao sức khoẻ bản thân và gia đình mình trong điều kiện môi trường sống ngày càng rủi ro và khắc nghiệt nhé.

Cập nhật thông tin hữu ích khác từ Oagree.com tại website: https://oagree.com hoặc https://www.facebook.com/oagree.fanpage

 Nguồn tham khảo:

  1. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) (https://www.who.int/vietnam/vi/news/detail/25-05-2020-who-statement-tobacco-use-and-covid-19#)

  2. Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia (https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC3152843/)

  3. Trung tâm Thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia (https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC2735794/)

  4. Hiệp hội Phổi Hoa Kỳ (https://www.lung.org/blog/can-you-detox-your-lungs)

  5. Tập san học thuật của Hiệp hội Mỹ vì sự Phát triển Khoa học (https://science.sciencemag.org/content/337/6097/937)

  6. 6.Cục Khảo sát Địa chất (https://toxics.usgs.gov/pubs/FS-027-02/)

  7. Bệnh viện K (https://benhvienk.vn/hieu-dung-ve-ung-thu-phoi-nd91118.html)

  8. Trung tâm thông tin Công nghệ sinh học Quốc gia (https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4818249/)

 

 

 

 

 

 

 

 

Đăng ký nhận bản tin

Đăng ký nhận thông tin từ Oagree.com để bảo vệ sức khỏe và môi trường sống.

Đăng ký